Thực hiện phân tích SWOT là một cách rất hiệu quả để đánh giá dự án, sản phẩm hoặc công ty của bạn. Việc phân tích SWOT sẽ giúp bạn quyết định cho bước tiếp theo để hoàn thành mục tiêu của dự án. Dựa trên ma trận SWOT bạn có thể biết chính xác về những điểm mạnh, điểm yếu cùng những cơ hội và thách thức sẽ phải đối mặt. Nếu bạn hiểu rõ hơn về ma trận SWOT, cách phân tích SWOT cùng những ví dụ thực tế, hãy theo dõi ngay bài viết sau đây. Hãy cùng CAS Solution khám phá về cách phân tích SWOT nhé!
Phân tích SWOT là gì?
SWOT là một mô hình (ma trận) nổi tiếng trong phân tích kinh doanh, được viết tắt bởi bốn từ Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức).
Phân tích SWOT có thể áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp hoặc cho các dự án riêng lẻ của một bộ phận. Thông thường, phân tích SWOT được sử dụng ở cấp độ tổ chức để xác định mức độ phù hợp của doanh nghiệp với mức tăng trưởng hoặc cũng có thể sử dụng để xác định một dự án cụ thể, như chiến dịch marketing đang hoạt động có theo kế hoạch ban đầu không.
Ngoài ra, khi phân tích SWOT, người ta còn sắp xếp các chỉ tiêu dựa trên yếu tố nội bộ và yếu tố bên ngoài. Trong đó, điểm mạnh và điểm yếu được xem là các yếu tố nội bộ còn lại cơ hội và thách thức chính là yếu tố bên ngoài. Cụ thể những đặc điểm khía cạnh của phân tích SWOT như sau:
Điểm mạnh
- Những điều công ty hoặc dự án của bạn đặc biệt làm tốt
- Những giá trị khác biệt giữa bạn và đối thủ cạnh tranh
- Nguồn lực bên trong như kĩ năng, sự am hiểu chuyên môn của nhân viên
- Tài sản vô hình bằng sáng chế, phát minh, kỹ thuật độc quyền
Điểm yếu
- Những thứ mà công ty bạn còn đang thiếu sót hoặc làm chưa tốt
- Những thứ mà đổi thủ của bạn làm tốt hơn bạn
- Sự hạn chế của nguồn nhân lực
- Những điều khoản hợp đồng mua bán chưa rõ ràng
Cơ hội
- Thị trường chưa phục vụ được cho các sản phẩm, dịch vụ cụ thể
- Ít đối thủ cạnh tranh tại khu vực của bạn
- Nhu cầu mới nổi về sản phẩm hoặc dịch của bạn
- Phương tiện truyền thông, báo chí đưa tin phủ sóng về công ty của bạn
Thách thức
- Những đối thủ cạnh tranh mới nổi
- Sự thay đổi bất ngờ của môi trường pháp lý, rủi ro tài chính
- Phương tiện truyền thông, báo chí đưa tin tiêu cực về công ty của bạn
- Sự thay đổi về thái độ của khách hàng đối với công ty, thương hiệu của bạn
Cách xây dựng mô hình SWOT
Thực tế, có rất nhiều cách để phân tích và xây dựng mô hình SWOT cho công ty, dự án của bạn. Tuy nhiên, một cách thường được sử dụng và đem lại hiệu quả cao hiện nay chính là đặt một loạt các câu hỏi cho từng yếu tố dựa trên những điều đã tìm hiểu bên trên. Dưới đây là những câu hỏi bạn có thể sử dụng để thực hiện phân tích SWOT.
Điểm mạnh
Dựa trên những đặc điểm của điểm mạnh đã được phân tích phía trên, để xác định điểm mạnh của tổ chức, dự án của bạn, bạn có thể bắt đầu với những câu hỏi sau:
- Khách hàng yêu thích những điều gì ở công ty hoặc dự án, sản phẩm của bạn?
- Bạn cho rằng điều gì công ty bạn đang làm tốt hơn các đối thủ khác trong ngành?
- Đặc tính thương hiệu (brand attribute) thu hút nhất của công ty bạn là gì?
- Sự độc đáo trong đề xuất, ý tưởng bán hàng của bạn là gì?
- Những nguồn lực nào bạn có những đối thủ cạnh tranh lại không có?
Sau khi trả lời được toàn bộ các câu hỏi này bạn sẽ bước đầu xác định và liệt kê được những điểm mạnh mà tổ chức của bạn đang có.
Điểm yếu
Thực tế, nếu bạn quá tự tin với điểm mạnh thì vô tình đây lại trở thành điểm yếu của bạn. Để có thể rõ hơn về những thiếu sót của của công ty, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau:
- Những điều khách hàng không thích về công ty hoặc sản phẩm của bạn là gì?
- Những vấn đề hoặc sự phàn nàn nào thường được đề cập trong những đánh giá tiêu cực của công ty bạn?
- Tại sao khách hàng lại hủy đơn hoặc không hoàn thành giao dịch?
- Thuộc tính tiêu cực nhất về thương hiệu của bạn là gì?
- Những trở ngại và thách thức lớn nhất trong phễu bán hàng hiện tại của bạn là gì?
- Những nguồn lực mà đối thủ cạnh tranh có nhưng bạn không có?
Cơ hội
Việc xác định những cơ hội hoặc thách thức thường yêu cầu bạn phải tiến hành các nghiên cứu cạnh tranh chuyên sâu hoặc kiểm tra về các xu hướng kinh doanh kinh tế có thể tác động. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các cơ hội không xuất phát từ nội tại, bạn có thể phát hiện ra cơ hội từ những điểm mạnh điểm yếu thông qua những câu hỏi sau:
- Làm thế nào để cải thiện quy trình bán hàng/ giới thiệu khách hàng/ hỗ trợ khách hàng tiềm năng?
- Những thông điệp nào gây được ấn tượng mạnh đối với khách hàng của bạn?
- Làm thế nào để chúng ta thu hút thêm những người nổi tiếng ủng hộ thương hiệu của mình?
- Các nguồn lực của từng bộ phận đang được phân bổ có hiệu quả không?
- Những nguồn ngân sách, công cụ hoặc nguồn lực nào khác mà chúng ta chưa tận dụng tối đa không?
- Có kênh quảng cáo nào tiềm năng mà doanh nghiệp vẫn chưa thể khai thác?
Thách thức
Khi đề cập đến những mối đe dọa hay thách thức đối với doanh nghiệp, bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi một loạt câu hỏi như trên. Tuy nhiên, việc đưa ra danh sách các mối đe dọa đối với doanh nghiệp khá dễ dàng mà không cần đặt câu hỏi trước. Thông thường, các mối đe dọa này sẽ là các đối thủ cạnh tranh mới nổi hoặc đã có tên tuổi, sự biến động của thị trường hoặc những đe dọa từ nội bộ công ty.
Thiết lập ma trận SWOT
Thiết lập ma trận SWOT sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra những chiến lược theo từng yếu tố. Các yếu tố thuộc ma trận cần đảm bảo những điều như phát triển điểm mạnh, cải thiện điểm yếu, tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro. Cách lý tưởng nhất chính là kết hợp ưu nhược điểm và chuyển thành điểm mạnh. Từ việc kết hợp các yếu tố của SWOT, bạn lập được các chiến lược như sau
- S-O (max – max) tận dụng tối đa lợi thế để tạo ra cơ hội
- S-T (min – max) sử dụng điểm mạnh để loại bỏ nguy cơ
- W-O (max – min) khắc phục điểm yếu để phát huy điểm mạnh
- W-T (min – min) giải quyết mọi giả định tiêu cực và tập trung giảm thiểu những rủi ro và tiêu cực.
Phân tích PEST là gì?
Trong phân tích SWOT, các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp đã được đề cập đến. Chính vì vậy, một phân tích riêng biệt có liên quan chặt chẽ đến phân tích SWOT, có thể bổ sung để phân tích yếu tố bên ngoài chính là phân tích PEST.
Đây là một phân tích giúp đánh giá cơ hội, thách thức một cách tổng quát hơn, để chắc chắn rằng bạn không bỏ qua những yếu tố bên ngoài, những thay đổi mới trong ngành. Phân tích PEST là phân tích môi trường kinh doanh dựa trên các yếu tố bên ngoài cụ thể như sau:
- Chính trị (Political): Sự ổn định chính trị, các điều luật, tính minh bạch, luật lao động, luật ngoại thương, chính sách thuế, đầu tư
- Kinh tế (Economic): Chu kỳ kinh doanh, xu hướng GDP, GNP, lãi suất, nguồn cho vay, lạm phát, thất nghiệp, thu nhập
- Sociocultural (Xã hội): Dân số, phân bố dân cư, phân chia thu nhập, chuyển dịch xã hội, giáo dục, chỉ số phát triển của con người, tiêu thụ
- Công nghệ (Technological): Sự phát triển của công nghệ, đổi mới, nghiên cứu và phát triển, tốc độ chuyển giao công nghệ, mức độ lạc hậu, số lượng viện công nghệ
Việc kết hợp phân tích SWOT và phân tích PEST sẽ cung cấp cho doanh nghiệp những lộ trình khả thi và tức thì hơn. Bên cạnh đó, điều này còn hữu ích trong việc xây dựng kế hoạch và chiến lược kinh doanh dài hạn cho doanh nghiệp.
Một số ví dụ phân tích ma trận SWOT tiêu biểu
Phân tích SWOT của Apple
Điểm mạnh
- Sản phẩm có thiết kế độc đáo, sáng tạo: khả năng tự thiết kế phần cứng và có hệ điều hành riêng
- Giới thiệu các dịch vụ mới: Apple Music, iTunes, Apple Arcade
- Văn hóa doanh nghiệp: kim chỉ nam của Apple chính là “sáng tạo – xuất sắc”
- Công nghệ xuất sắc
Điểm yếu
- Hệ thống phân phối hạn chế: Apple tự bán sản phẩm của mình và có rất ít cửa hàng phân phối trên toàn thế giới. Điều này khiến khả năng tiếp cận các thị trường, mức am hiểu đối với người tiêu dùng bị hạn chế.
- Khả năng tương thích thấp: Phân lớn các sản phẩm của Apple chỉ tương thích với phụ kiện của hãng.
- Giá thành cao so với những sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường
Cơ hội
- Mức độ trung thành của khách hàng với thương hiệu: Những sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple luôn được tiếp cận nhanh chóng bởi người dùng, tỷ lệ giữ chân khách hàng của thương hiệu lên đến 92%
- Bổ sung danh mục, dòng sản phẩm để tăng tỉ lệ cạnh tranh
- Quan hệ với các đối tác và mức độ chuyển đổi
Thách thức
- Sự cạnh tranh gia tăng bởi các đối thủ mới thâm nhập thị trường
- Những vấn đề về dịch bệnh và chính trị trên toàn cầu
- Những kiện cáo liên quan đến trải nghiệm người dùng
Phân tích SWOT của Starbucks
Điểm mạnh
- Hình ảnh thương hiệu, nổi tiếng là thương hiệu cà phê toàn cầu về chất lượng sản phẩm, dịch vụ hoàn hảo
- Nền tảng tài chính vững chắc, khả năng sinh lời cao
- Các chiến lược tái đầu tư hiệu quả: tập trung vào mở rộng hoạt động kinh doanh
- Hiểu và bắt kịp nhanh chóng xu hướng của khách hàng
- Văn hóa doanh nghiệp mang tôn chỉ giàu đạo đức
- Cà phê được tiêu chuẩn hóa theo quy trình để giữ được hương vị đặc trưng của thương hiệu
- Mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu
Điểm yếu
- Mức giá cho các loại đồ uống quá cao, cao hơn so với nhiều đối thủ trên thị trường
- Sản phẩm thiếu sự độc đáo
- Các sản phẩm thiếu tính địa phương hóa: Starbucks sử dụng danh mục đồ uống chung cho mọi thị trường để tối giản công tác quản lý nhưng không hợp khẩu vị với khách hàng tại địa phương. Điều này dẫn tới sự thất bại của Starbucks ở một số thị trường như Việt Nam, Úc.
- Thu hồi sản phẩm
Cơ hội
- Các chiến lược marketing điện tử giúp tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng, mở rộng mạng lưới khách hàng
- Mở rộng hệ thống cửa hàng trên toàn cầu
- Thử các loại hình kinh doanh mới phù hợp với tình hình thế giới
- Khai thác triệt để tiềm năng ngành công nghiệp cà phê
Thách thức
- Thách thức từ những đối thủ cạnh tranh có mức giá thấp hơn
- Sự tấn công của dịch bệnh, căng thẳng chính trị
- Sự tăng giá của cà phê thô
- Kinh tế suy thoái
Bài viết trên là toàn bộ những thông tin về phân tích SWOT giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mô hình này và ứng dụng trong công việc. Hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn những thông tin hữu ích!