SWOT là một trong những mô hình tốt nhất để doanh nghiệp có thể tự phân tích điểm mạnh, điểm yếu và tìm ra phương hướng hoạt động phù hợp, hiệu quả. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm của mô hình SWOT cũng như cách phân tích SWOT chính xác, hiệu quả.

Trong bài viết dưới đây CAS Media sẽ cung cấp những thông tin chi tiết nhất về khái niệm và cách xây dựng chiến lược SWOT hiệu quả nhất.

SWOT là gì?

SWOT là tên viết tắt của 4 cụm từ tiếng Anh sau:

  • Strengths – điểm mạnh.

  • Weaknesses – điểm yếu.

  • Opportunities – cơ hội.

  • Threats – thách thức.

Đây là mô hình (ma trận) giúp phân tích kinh doanh nổi tiếng, hiệu quả dành cho các doanh nghiệp đang muốn cải thiện tình hình kinh doanh. Dựa trên định hướng đúng đắn cùng nền tảng phát triển bền vững, phù hợp với tình hình hiện tại của doanh nghiệp.

Trong SWOT thì điểm mạnh, điểm yếu là yếu tố nội bộ ở trong một doanh nghiệp. Đó có thể là đặc điểm, vị trí địa lý, độ nổi tiếng. Hai yếu tố này có thể thay đổi dựa vào sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp.

Còn cơ hội và thách thức là hai yếu tố bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm đối thủ, giá trị trường, tình hình cạnh tranh, nguồn cung ứng,… Hai yếu tố này là thứ mà doanh nghiệp không thể kiểm soát và có thể thay đổi thất thường.

Phân tích SWOT là gì?

Phân tích SWOT là bước đóng vai trò vô cùng quan trọng để giúp doanh nghiệp tìm ra định hướng phát triển phù hợp và hiệu quả nhất. Về cơ bản thì phân tích SWOT chính là phân tích, mổ xẻ 4 yếu tố trong mô hình SWOT. Bao gồm Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội), Threats (Thách thức). Từ đó giúp doanh nghiệp xác định chính xác mục tiêu chiến lược và đề ra hướng phát triển hiệu quả.

Mô hình phân tích SWOT có thể được sử dụng cho toàn bộ doanh nghiệp hoặc cho một tổ chức hay một dự án riêng lẻ nào đó mà doanh nghiệp đang muốn triển khai.

Khi phân tích SWOT cho doanh nghiệp sẽ cần phải phân tích các khía cạnh sau đây:

  • Điểm mạnh: là những đặc điểm nổi bật mà doanh nghiệp sở hữu và có thể tạo thành lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong cùng lĩnh vực.

  • Điểm yếu: là những mặt hạn chế khiến doanh nghiệp trở nên yếu thế và không thể cạnh tranh so với đối thủ.

  • Cơ hội: các nhân tố tác động từ bên ngoài có thể tận dụng để tạo lợi thế cạnh tranh.

  • Thách thức: những yếu tố bên ngoài có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp.

Mô hình SWOT trong Marketing là gì?

Mô hình SWOT sử dụng trong Marketing cũng bao gồm 4 thành phần cơ bản mà chúng tôi mới giới thiệu ở phần trên.

Mô hình SWOT có chức năng như một công cụ hỗ trợ các nhà quản trị doanh nghiệp khi thực hiện chiến lược kinh doanh có thể biết trước được những rủi ro có thể xảy ra và tìm các giải pháp khắc phục hiệu quả. Thông qua mô hình SWOT cũng sẽ giúp nhà quản trị có thể đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ cạnh tranh. Như vậy, có thể đưa ra những kế hoạch, phương án tiếp thị phù hợp và hiệu quả nhất dành cho doanh nghiệp mình.

Mô hình SWOT với nhiều ưu điểm có thể ứng dụng ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau và Marketing cũng không phải ngoại lệ.

Khi doanh nghiệp thực hiện một chiến lược tiếp thị Marketing thì có thể sử dụng mô hình SWOT để phân tích cơ hội và thách thức. Ngoài ra, còn giúp doanh nghiệp biết được điểm mạnh, điểm yếu của chiến lược Marketing. Từ đó có thể thay đổi, sửa chữa để mang lại hiệu quả tiếp thị cao hơn cho các chiến lược Marketing này.

Ma trận SWOT là gì?

Nếu doanh nghiệp chỉ phân tích 4 thành phần của SWOT theo lý thuyết ở trên giấy là chưa đủ. Vì sau khi phân tích tất cả khía cạnh, bạn cần phải biết cách kết hợp những nguồn tài nguyên hiện có và huy động thêm nguồn lực bên ngoài để đạt được mục tiêu trong thời gian nhanh nhất.

Ma trận SWOT (SWOT Template) lúc này đóng vai trò như một bản phác thảo để định hình cho doanh nghiệp biết được điểm mạnh, điểm yếu. Với những điểm mạnh thì cần tập trung phát triển còn với điểm yếu thì cần phải tìm cách khắc phục. Dựa vào sơ đồ ma trận này, doanh nghiệp cũng có thể dự đoán những thách thức cần phải đối mặt khi thực hiện chiến dịch. Đồng thời cũng giúp doanh nghiệp có thể tận dụng được hết cơ hội để phát triển.

SWOT Template còn được trình bày dưới dạng liệt kê 4 thành phần của SWOT giúp nhà phân tích có thể dễ dàng theo dõi, đối chiếu từng yếu tố để phục vụ cho hoạt động xây dựng chiến lược kinh doanh.

SWOT được sử dụng trong những lĩnh vực nào

SWOT đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng mục tiêu và hướng phát triển của mỗi doanh nghiệp. Dựa vào kết quả của quá trình phân tích, đánh giá mô hình SWOT sẽ giúp doanh nghiệp biết chính xác bước tiếp theo cần phải làm gì để đạt được mục tiêu.

Ban quản trị của doanh nghiệp cần phải xem xét kết quả phân tích SWOT để biết xem mục tiêu đó tính khả thi và mang lại hiệu quả hay không. Nếu thấy mục tiêu ban đầu không khả thi thì cần phải chuyển sang mục tiêu khác an toàn hơn. Lúc này bạn lại cần phải phân tích một mô hình SWOT mới để đánh giá lại.

SWOT được sử dụng trong những trường hợp cụ thể sau đây:

  • Xây dựng kế hoạch chiến lược kinh doanh.

  • Lên ý tưởng, định hướng.

  • Đưa ra quyết định phù hợp với tình hình thực tế.

  • Nghiên cứu, phát triển điểm mạnh.

  • Loại bỏ hoặc khắc phục điểm yếu.

  • Tái cơ cấu tổ chức, nguồn lực tài chính, đội ngũ nhân viên,…

Cách phân tích và xây dựng chiến lược SWOT hiệu quả trong Marketing

Dưới đây là cách phân tích, xây dựng chiến lược SWOT hiệu quả trong Marketing với các bước chi tiết nhất.

Tạo ma trận SWOT

Tạo ma trận SWOT dưới dạng bảng và liệt kê từng yếu tố là bước đầu tiên để giúp quá trình phân tích, đánh giá diễn ra nhanh chóng, thuận tiện hơn. Sau khi đã liệt kê các yếu tố, bạn cần sắp xếp 4 yếu tố thành ma trận SWOT theo hình minh họa dưới đây.

Sau khi đã liệt kê đầy đủ bạn cần dựa vào các yếu tố đã xác định để xây dựng chiến lược cụ thể. Trong nội dung chiến lược cần phải có 4 tiêu chí sau:

  • Ưu tiên phát triển những điểm mạnh của doanh nghiệp.

  • Hiểu rõ điểm yếu và tìm cách khắc phục.

  • Nhận biết và tận dụng các cơ hội một cách triệt để.

  • Hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải.

Với ma trận SWOT, doanh nghiệp không nhất thiết cần phải tìm và loại bỏ hoàn toàn các điểm yếu. Thay vào đó, hãy cố gắng kết hợp, bổ trợ cả điểm mạnh và điểm yếu để giúp chúng trở thành những điểm mạnh riêng chỉ có duy nhất ở doanh nghiệp bạn.

Tìm ra điểm mạnh

Trong ma trận SWOT thì điểm mạnh chính là yếu tố đầu tiên mà bạn cần phân tích, đánh giá. SWOT sẽ cho biết doanh nghiệp bạn có điểm mạnh gì, đây là yếu tố để tạo nên điểm khác biệt và lợi thế khi cạnh tranh với đối thủ.

Doanh nghiệp có thể sở hữu các điểm mạnh như nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao, đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn, sở hữu nhiều bằng sáng chế,… Tất cả đều là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển nếu biết cách tận dụng.

Bạn cũng có thể đặt ra một số câu hỏi như dưới đây để xác định điểm mạnh của doanh nghiệp khi xây dựng một chiến lược Marketing:

  • Khách hàng ấn tượng điều gì ở doanh nghiệp bạn?

  • Doanh nghiệp bạn đã làm tốt hơn so với đối thủ ở mảng nào?

  • Thương hiệu của bạn độc đáo ở điểm nào?

Câu trả lời cho những câu hỏi trên chính là chìa khóa để bạn biết được điểm mạnh vượt trội của doanh nghiệp mình. Ngoài ra, khi phân tích điểm mạnh thì bạn cũng nên so sánh từng khía cạnh mà bạn đang có so với đối thủ. Doanh nghiệp của bạn nổi bật hơn ở khía cạnh nào thì đó chính là điểm mạnh và hãy cố gắng phát triển những khía cạnh đó.

Nhận diện điểm yếu

Sở hữu nhiều điểm mạnh mà nhiều đối thủ cạnh tranh không thể so sánh không có nghĩa bạn không có điểm yếu. Vì bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào cũng đều tồn tại những khuyết điểm dù nhỏ hay lớn.

Mọi người không thấy điểm yếu của doanh nghiệp bạn có thể là do những điểm mạnh đã lấn át chúng hoặc do doanh nghiệp bạn biết cách che giấu tốt. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thực sự muốn trở nên vững mạnh và đạt được mục tiêu nhanh hơn thì cần phải thẳng thắn thừa nhận những điểm yếu của mình.

Tương tự như cách tìm ra điểm mạnh, doanh nghiệp cũng có thể đặt một số câu hỏi đề tìm ra những điểm yếu của mình. Ví dụ:

  • Khách hàng cảm thấy không hài lòng về điểm nào của sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp?

  • Trong quá trình sử dụng sản phẩm, khách hàng thường khuyến mại hay phàn nàn điều gì?

  • Lý do khách hàng hủy giao dịch.

  • Đối thủ cạnh tranh đang có điểm mạnh gì mà doanh nghiệp bạn không có hay không?

Khi phân tích điểm yếu đòi hỏi doanh nghiệp phải thẳng thắn thừa nhận, có cái nhìn tổng quát, dám đối mặt thực tế và đánh giá chính xác các đối thủ của mình. Ngay cả với những điểm yếu mà không ai nhận ra thì doanh nghiệp cũng phải tự thừa nhận và khắc phục chúng nhanh nhất.

Tìm ra cơ hội

Phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu thôi là chưa đủ mà doanh nghiệp còn phải nhận biết, tận dụng các cơ hội triệt để để phát triển nhanh hơn.

Doanh nghiệp cần phải phân tích và đánh giá xem các chiến lược tiếp thị có thể thu hút được lượng lớn khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp hay không. Bởi khách hàng tiềm năng cũng là cơ hội để giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng trong tương lai.

Hoặc doanh nghiệp bạn đang chuẩn bị đưa ra một sản phẩm mới mà trên thị trường chưa có cũng là một cơ hội tốt. Đây là cơ hội do chính doanh nghiệp tạo ra và nếu biết cách tận dụng thì sẽ tạo sự phát triển vượt bậc.

Nhưng thực tế các cơ hội thường đến do sự thay đổi của một số yếu tố bên ngoài môi trường. Ví dụ như thị trường dịch chuyển từ hình thức mua hàng trực tiếp sang hình thức trực tuyến, hay khách hàng có nhu cầu sử dụng cao sản phẩm nào đó, hoặc các chính sách thị trường mới có lợi cho doanh nghiệp,…

Vì vậy, để có thể tận dụng triệt để các cơ hội này thì doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ và đẩy mạnh các chiến lược truyền thông Marketing. Cụ thể như sau:

  • Bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường các chương trình khuyến mãi và khâu chăm sóc khách hàng để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

  • Lựa chọn phương thức thực hiện chiến lược truyền thông phù hợp, hiệu quả.

  • Rà soát các kênh quảng cáo để phát huy những kênh hiệu quả và thay đổi các kênh chưa hiệu quả.

  • Lên kế hoạch phân phối nguồn lực khoa học cho việc tận dụng cơ hội.

Nhận biết thách thức

Nhận biết thách thức và rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải chính là yếu tố cuối cùng để hoàn thiện mô hình SWOT. Ở yếu tố này, bạn cần phải phân tích, đánh giá tất cả các mối đe dọa sự cản trở doanh nghiệp đạt được mục đích cuối cùng.

Thế nhưng nếu doanh nghiệp bạn có đủ tiềm lực thì có biến những thách thức thành cơ hội để đẩy nhanh quá trình đạt được mục tiêu. Và để biến thách thức thành cơ hội thì doanh nghiệp phải tận dụng triệt để tất cả điểm mạnh đang sở hữu. Tạo ra môi trường tốt nhất để các điểm mạnh có thể phát triển và hoạt động.

Vì không thể loại bỏ thách thức nên cần phải làm tốt bước nhận diện thách thức ngay từ ban đầu để có thể đề ra những phương án giải quyết tối ưu nhất. Mỗi điểm yếu hay thách thức khác nhau đều cần được xử lý theo những cách khác nhau. Nên ưu tiên giải quyết những thách thức trước mắt và có khả năng ảnh hưởng lớn nhất đến mục đích cuối cùng của doanh nghiệp.

Ví dụ về SWOT và ma trận SWOT của Nike và Starbucks

Để hiểu rõ hơn về SWOT và cách phân tích SWOT thì hãy cùng tham khảo ví dụ về phân tích SWOT cho Nike và Starbucks dưới đây nhé.

Phân tích SWOT của Nike

Điểm mạnh:

  • Là thương hiệu lâu đời và được rất nhiều khách hàng biết đến và tin tưởng lựa chọn.

  • Nike là thương hiệu giày có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường.

  • Vì không có xưởng sản xuất nên hầu như không có gánh nặng về nhân công và địa điểm sản xuất. Mục tiêu của Nike đang hướng đến là Lean organization – doanh nghiệp tạo ra giá trị cho khách hàng với nguồn tài nguyên ít nhất có thể.

  • Nike là thương hiệu quốc tế, xuất hiện ở tất cả các quốc gia.

  • Có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và nắm bắt xu hướng thị trường, thị yếu của khách hàng.

Điểm yếu:

  • Các sản phẩm chưa thực sự đa dạng, phong phú về thiết kế, mẫu mã nên chưa đáp ứng được hết các mong muốn của khách hàng.

  • Phần lớn doanh thu đều dựa vào thị phần mặt hàng giá trị cao nên nếu thị phần này giảm thì hãng rất dễ bị lung lay.

  • Có lĩnh vực bán lẻ cực kỳ nhạy cảm về giá cả vì có các cửa hàng bán lẻ riêng với tên gọi Niketown. Tuy nhiên phần lớn doanh thu của hãng lại được thu về từ việc bán sản phẩm cho các nhà bán lẻ khác.

Cơ hội:

  • Có nhiều cơ hội hơn khi phát triển các sản phẩm mới.

  • Mặc dù chủ thương hiệu Nike nhận định rằng đây không phải là thương hiệu thời trang, nhưng hầu hết khách hàng khi sử dụng Nike đều không phải để chơi thể thao. Khách hàng xem các sản phẩm của Nike như một phong cách thời thượng. Điều này khiến cho các sản phẩm dù chưa hư nhưng họ cũng vẫn bỏ tiền để mua sản phẩm mới để không bị lỗi thời. Chính tâm lý này giúp thúc đẩy doanh số bán hàng của Nike một cách hiệu quả.

  • Có cơ hội phát triển theo hướng thời trang thể thao, trang sức hay kính mát. Các phụ kiện có giá trị cao bán cùng với giày cũng sẽ thu về lợi nhuận cao cho Nike.

  • Với sự nhận diện thương hiệu toàn cầu thì Nike hoàn toàn có cơ hội mở rộng thị trường ra thế giới, ví dụ như Ấn Độ, Trung Quốc,…

Thách thức:

  • Bản chất của thị trường quốc tế ít nhiều cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng đến Nike. Vì vậy, giá mua bán có thể chênh lệch theo đơn vị tiền tệ khác nhau kéo theo sự không ổn định của chi phí và lợi nhuận của hãng. Tình trạng này sẽ khiến Nike bị thua lỗ.

  • Thị trường quần áo, giày dép luôn có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

  • Sự nhạy cảm về giá khiến khách hàng thường có tâm lý so sánh và có thể lựa chọn những sản phẩm của các hãng có giá thành rẻ hơn.

  • Có nhiều đối thủ cạnh tranh lớn trong lĩnh vực giày.

Phân tích SWOT của Starbucks

Điểm mạnh:

  • Vào năm 2004, Starbucks là tập đoàn sinh lợi đến $600 triệu.

  • Là thương hiệu cà phê nổi tiếng toàn cầu có chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt.

  • Nằm trong top 100 công ty đáng làm việc nhất với sự tôn trọng nhân viên.

  • Doanh nghiệp hoạt động với sứ mệnh và tôn chỉ giàu tính đạo đức.

  • Nắm bắt được thị yếu và xu hướng của người tiêu dùng.

Điểm yếu:

  • Nổi tiếng trong việc sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới. Tuy nhiên những cải tiến của Starbucks cũng rất dễ gặp phải thất bại nếu không nghiên cứu thị trường.

  • Có các cửa hàng ở khắp nước Mỹ nhưng cần phải chú trọng đầu tư và mở cửa hàng ở một số quốc gia khác để phân tán rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

  • Dựa vào lợi thế cạnh tranh là bán lẻ cà phê nên việc phát triển các lĩnh vực khác diễn ra rất chậm.

Cơ hội:

  • Là doanh nghiệp có khả năng tiếp nhận và nắm bắt cơ hội rất tốt.

  • Vào 2004, Starbucks đã hợp tác với Hewlett Packard (tập đoàn công nghệ thông tin tại Mỹ) để mở dịch vụ CD-burning tại cửa hàng Santa Monica (California Mỹ) để khách hàng có cơ hội trải nghiệm tự tay làm nên đĩa CD âm nhạc của riêng mình.

  • Các dịch vụ và sản phẩm mới của Starbucks có thể được bán ở tất cả cửa hàng giúp thu được lợi nhuận cao hơn.

  • Có nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng thị trường, đặc biệt là tại một số thị trường mới như Ấn Độ và các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương.

  • Có nhiều cơ hội hợp tác, đồng thương hiệu với nhiều hãng sản xuất thực phẩm và đồ uống khác. Hoặc có thể nhượng thương hiệu cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ.

Thách thức:

  • Thị trường cà phê có thể tiếp tục phát triển hay có thể bị thay thế bởi nhu cầu sử dụng các loại đồ uống khác trong tương lai?

  • Có nguy cơ tăng giá nguyên liệu cà phê và các sản phẩm làm từ sữa.

  • Thách thức từ các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ cà phê.

  • Kể từ khi được ra mắt tại chợ Pike Place, thành công trong hoạt động bán lẻ cà phê của Starbucks đã tạo cơ hội cho nhiều thương hiệu sao chép, thực hiện theo. Xuất hiện nhiều nguy cơ các nhãn hàng này có thể vượt qua cả Starbucks.

Như vậy, trong bài viết trên chúng tôi đã giới thiệu chi tiết về khái niệm, vai trò và cách xây dựng chiến lược SWOT hiệu quả cho doanh nghiệp. Hy vọng sau khi tham khảo bài viết trên các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng liên quan đến SWOT để có thể đem lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.