Khi bạn là người mới bắt đầu với công việc kinh doanh hay các doanh nghiệp nhỏ mới bắt đầu vào Digital Marketing, việc xây dựng một email list chỉn chu phục vụ cho Email Marketing không được xem trọng. Từ việc thiết kế fanpage, chạy quảng cáo rồi viết nội dung mỗi ngày đã “choáng” hết quỹ thời gian quý báu của bạn.
Đối với những đối tượng kinh doanh nhỏ, việc xây dựng một email list khá rườm rà và khó hiểu nên đa phần họ rất ngại khi phải bắt tay vào xây dựng email list.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào, không nên chỉ lệ thuộc vào một vài hình thức Digital Marketing nhất định như: chạy quảng cáo Facebook, xây dựng nội dung Fanpage, SEO website… mà nên sử dụng phối hợp giữa các công cụ để đạt kết quả tốt nhất.
Chính vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn một số cách phát triển email list của mình và làm cách nào để email list của bạn đạt hơn 1000 lượt đăng ký mỗi tháng.
Giai đoạn 1: Chọn phần mềm Email Marketing phù hợp
Việc chọn được một phần mềm Email Marketing phù hợp là một điều tương đối khó khăn vì hiện trên thị trường có rất nhiều các bên cung ứng phần mềm khác nhau. Đặc biệt nếu doanh nghiệp không có các chiến lược cụ thể trong việc sử dụng email list của mình thì lại càng khó khăn trong việc so sánh sự khác biệt giữa các phần mềm này.
Nhưng, có 2 phần mềm sau đây được xem là tối giản và những doanh nghiệp mới bắt đầu “dấn thân” vào Email Marketing có thể tham khảo:
- ConvertKit
- MailChimp
Đúng thật là ngoài kia có rất nhiều những phần mềm cung cấp dịch vụ Email Marketing nhưng cái quan trọng là bạn phải tìm được cái phần mềm “hợp” với doanh nghiệp bạn và bạn sẽ sử dụng nó hiệu quả nhất. Việc “lăn tăn” với những phần mềm khác sẽ làm phí thời gian của bạn trong việc lựa chọn và so sánh các chức năng mà bạn hiếm khi dùng.
Nhưng vì sao bạn lại nên dùng 2 phần mềm này mà không phải các phần mềm khác?
Một cách đơn giản mà nói, những phần mềm này cung cấp một số các yếu tố phù hợp cho việc bắt đầu xây dựng email list của doanh nghiệp mới bắt đầu:
- Thủ tục đăng ký dễ dàng
- Giao diện thân thiện với người dùng
- Giá cả hợp lý
Nếu như bạn là doanh nghiệp hoàn toàn mới và chưa biết gì về Email Marketing hay chưa biết cách xây dựng email list thì bạn nên thử sử dụng phần mềm ConvertKit.
Tuy MailChimp có một ưu điểm cực lớn mà các doanh nghiệp nhỏ hay các đối tượng kinh doanh tự do yêu thích là: miễn phí cho danh sách tối đa 2000 email đầu tiên. Nhưng ConvertKit lại có 3 ưu điểm lớn sau và đó cũng là lý do chúng tôi khuyến nghị bạn nên ưu tiên cho ConvertKit hơn:
- Việc quản lý cũng như phân khúc email dễ dàng, đơn giản
- Cài đặt trình tự gửi email tự động đơn giản
- Nhìn chung, một trong những yếu tố cốt lõi nhất của việc chọn được phần mềm Email Marketing là tính đơn giản, dễ sử dụng và thao tác của phần mềm
Nói chung, ConvertKit đơn giản, dễ sử dụng nhưng không có nghĩa MailChimp quá khó dùng, chỉ là nó sẽ phức tạp hơn và gây nhiều khó khăn hơn cho những ai mới bắt đầu sử dụng.
Giai đoạn 2: Tạo Subscribe Form để thu thập email người dùng
Subscribe Form là gì?
Subscribe Form là một dạng biểu mẫu để doanh nghiệp thu thập thông tin email người dùng, email thu thập được sẽ dùng cho nhiệm vụ chính là thông báo cho khách hàng khi doanh nghiệp ra mắt sản phẩm mới hay có những chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Có bao nhiêu loại Subscribe Form?
Sau khi bạn đã chọn được một phần mềm Email Marketing (EMS – Email Marketing Software) thì thông thường sẽ có 3 loại Subscribe Form chính bao gồm:
- Copy/Paste form: đơn giản chỉ là sao chép và dán đoạn mã form từ EMS
- Hosted form: đây là những form được lưu trữ trên miền EMS mà bạn có thể gửi cho mọi người
- Form plugin: Nếu bạn có dùng WordPress thì trên đó có rất nhiều những phần mềm mà bạn có thể dùng để tạo các Subscribe Form này. Hai phần mềm được ưa thích có thể kể đến: Ninja Forms và OptinMonster.
Sau khi đã tạo được Subscribe Form theo mong muốn, thì khi này một vấn đề mới lại nảy sinh. Làm thế nào để khách hàng sẵn lòng cung cấp địa chỉ email của họ cho doanh nghiệp.
Một số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các cá nhân tự kinh doanh khi đã có Subscribe Form cũng như phần mềm Email Marketing thì họ lại đính Subscribe Form này lên website, rồi viết các caption không mang tính cuốn hút như: “ Đăng ký email của bạn nhé” hay “ Cập nhật miễn phí, đăng ký bên dưới”.
Những caption, những câu kêu gọi hành động như thế này thực sự không hề có ích hay hấp dẫn, cho người dùng một lý do cụ thể nào để họ để lại địa chỉ email cho bạn. Vậy, phải làm thế nào để thu hút người dùng và có thể thuyết phục họ để lại địa chỉ email? Bước 3 sẽ đưa ra giải pháp cho vấn đề này
Giai đoạn 3: Lead Magnets – “mồi câu”
Lead magnet – chúng ta có thể gọi đơn giản đây là “mồi câu”. Tức là chúng ta sẽ cung cấp cho khách hàng một giá trị nhất định nào đó để đổi lại từ họ một giá trị nào đó – mà ở đây là email của họ.
Một số các Lead Magnets mà doanh nghiệp có thể tham khảo như:
- Ebook miễn phí
- Khóa học miễn phí
- Một bộ template powerpoint miễn phí
- Phiếu giảm giá online
Nhìn qua thì có vẻ đơn giản, nhưng quá trình thực hiện có thể sẽ gặp một chút các khó khăn. Cũng chính vì các khó khăn này mà một số doanh nghiệp không muốn làm. Tuy vậy, lời khuyên là bạn hãy cố gắng có “mồi câu” của mình để tăng sự thu hút và cho khách hàng một lý do thuyết phục để họ để lại địa chỉ email quý giá của họ.
Kỹ thuật mồi câu – Làm thế nào để tạo được một Lead Magnet hiệu quả?
Như các bạn đã biết, để thu hút người dùng cũng như tạo động lực để họ sẵn sàng cung cấp email của mình cho doanh nghiệp để phục vụ cho mục đích nào đó thì người dùng họ cần một lý do để làm như vậy. Ở đây, chúng ta sẽ cung cấp cho họ một giá trị để họ sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân của họ.
Tuy nhiên, việc này không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Bài viết này sẽ hướng dẫn cho bạn làm thế nào để tạo ra một Lead Magnet có giá trị cũng như cách áp dụng hiệu quả để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bước 1: Tạo ra một “mồi câu” có giá trị
Để tạo ra được một Lead Magnet có giá trị thì trước mắt, bạn phải xác định được đối tượng bạn đang hướng tới là ai, họ đang cần điều gì, đang muốn điều gì hay họ đang gặp các rào cản nào trong cuộc sống.
Từ đó, bạn có thể tạo ra các món quà nhỏ, nhắm vào các điểm “muốn” hay những “rào cản” đó của họ, khi đó “mồi câu” của bạn mới thực sự có sức hút. Một vài ví dụ gợi ý cho bạn:
- Ebook miễn phí
- Khóa học miễn phí
- Một bộ template powerpoint miễn phí
- Phiếu giảm giá online
Những món quà nhỏ này nên được gửi qua mail hay người dùng có thể dễ dàng download xuống tức thì ngay sau khi họ cung cấp email để họ không cảm thấy bị lừa đảo nhé.
Bước 2: Tạo Form để bắt đầu “thả mồi”
Để tạo form, bạn có thể sử dụng EMS để tạo một chiếc form riêng biệt phục vụ cho mục đích “thả mồi” này và sau đó bạn chỉ cần copy và paste mã code đó thôi. Nếu bạn sử dụng phần mềm ConvertKit, việc tạo form này sẽ càng trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các chương trình trên WordPress để tạo ra các form riêng biệt phù hợp với Lead Magnets của bạn. Nếu dùng WordPress để tạo form thì bạn có thể cân nhắc sử dụng phần mềm Ninja Form vì phần mềm này khá thân thiện, dễ sử dụng cho người dùng mới nhé.
Một điều quan trọng nữa mà bạn cần quan tâm là mỗi một Lead Magnets nên được đi kèm với một form riêng biệt. Vì các Lead Magnets khác nhau sẽ thu hút các đối tượng khác nhau, chính vì vậy bạn cần tạo các form khác nhau để bạn phân biệt các nhóm đối tượng này.
>>> Tham khảo ngay: Cách xác định khách hàng mục tiêu chính xác, nhanh chóng.
Bước 3: Hãy chuyển quà đi càng sớm càng tốt
Sau khi người dùng đã hoàn thành các yêu cầu từ phía bạn thì hãy mau chóng gửi quà đến họ sớm nhất có thể để họ không có tâm lý bị “lừa” nhé. Lời khuyên là bạn hãy đặt phần quà ở chế độ tự động, một khi họ hoàn tất form đăng ký địa chỉ email thì phần quà sẽ lập tức được gửi ngay đến cho họ.
Nếu món quà của bạn dưới dạng PDF, Word hay các dạng file nói chung thì tốt hơn hết bạn hãy upload lên Google Drive, Dropbox hay WordPress, bất kỳ nơi đâu mà sẽ có một đường link liên kết trực tiếp với tài liệu file này.
Và sau đây là ba lựa chọn cho bạn:
- Sau khi người dùng điền form hoàn tất, EMS sẽ gửi chính đường link này đến hộp mail của người dùng
- Sau khi người dùng điền form hoàn tất, EMS sẽ chuyển hướng họ đến trang cảm ơn đã được setup trước đó. Trong trang cảm ơn này sẽ có đường link để họ tải các món quà bạn đã chuẩn bị sẵn trước (hình thức này khuyên dùng với Ninja Form vì cực kỳ dễ dùng)
- Sau khi người dùng điền form hoàn tất, EMS sẽ gửi một thông báo đã tiếp nhận thông tin thành công và trong tin nhắn thông báo này có chứa link liên kết.
Lựa chọn đầu tiên có thể được setup thông qua EMS, tuy nhiên 2 lựa chọn sau lại phụ thuộc vào form bạn đã tạo, cần được kiểm soát thông qua form. Tuy vậy, bạn cứ hãy chọn những hình thức nào dễ dàng và thuận tiện là được. Sau đó, bạn bắt đầu đợi email đổ về nhé. Nhưng để tối đa hóa hiệu quả, bạn nên làm cho “mồi câu” thật hấp dẫn.
Bước 4: Làm cho món quà có giá trị trong mắt người dùng
Đặt form đăng ký ở bất kỳ đâu dễ thấy trên không gian website. Có thể ở dưới các bài đăng, ghim tại trang chính (home page), hoặc bạn có thể tạo landing page (trang đích). Miễn sao mọi người đều có thể thấy chiếc form này là được.
Tất nhiên, bạn nên sử dụng một chút thủ thuật “quảng cáo” để làm cho món quà trở nên có giá trị. Điều quan trọng là bạn phải nắm bắt được đối tượng sẽ tiếp cận nội dung là ai để từ đó đưa ra các thủ thuật tương ứng dựa trên các đặc điểm ấy.
Ví dụ trong một số lĩnh vực như giáo dục người dùng thường có tâm lý thích những gì tổng quát, bao gồm tất cả, tổng hợp chỉ trong một file. Nên bạn nên đặt tên cho món quà có những cụm từ “tổng hợp”, “tất tần tật”,…
Tâm lý người dùng thích “chìa khóa vạn năng”, chính vì vậy bạn có thể nắm bắt tâm lý này để “tâng bốc” cho món quà của mình.
Một khi bạn làm đúng, số lượng email bạn nhận được sẽ tăng nhanh hơn so với trước đây.
Mặc dù đây là một cách khá hay ho để tăng lên nhanh chóng số lượng email của bạn nhưng phương pháp này vẫn cần một khoảng thời gian để thực hiện. Có rất nhiều việc cần làm như xác định đối tượng bạn nhắm tới là ai, họ quan tâm điều gì để bạn có thể tạo ra món quà đủ thu hút cho nhóm này, tạo form,… cũng như không mang tính chất “đại trà”
Như đã đề cập thì do từng Lead Magnets sẽ hấp dẫn từng đối tượng khác nhau nên sẽ không thể hấp dẫn hàng loạt tất cả các nhóm đối tượng của doanh nghiệp.
Ví dụ như công ty A kinh doanh nhiều loại sản phẩm sữa khác nhau và mỗi sản phẩm sẽ nhắm đến đối tượng mục tiêu khác nhau. Họ cần thu thập email của người dùng sữa từ 18-25 tuổi để phục vụ cho chiến dịch truyền thông sắp tới, thì khi đó phần quà sẽ phải hướng vô nhóm đối tượng mục tiêu này như công thức làm các món đồ uống ngon như ở tiệm Starbucks như: Matcha đá xay, cookies đá xay,…
Và tất nhiên là món quà này sẽ không hấp dẫn với nhóm khách hàng mục tiêu độ tuổi từ 30-45 tuổi. Chính vì vậy nên đây là lý do vì sao Lead Magnets sẽ hấp dẫn một nhóm đối tượng nhất định.
Nhưng trong giai đoạn sau, sẽ có cách để “tăng tốc” cho lưu lượng mail đổ về email list của bạn.
Giai đoạn 4: Contextual CTAs ( Contextual Call To Actions – kêu gọi hành động theo hoàn cảnh)
Nếu như món quà của bạn đưa ra chưa đủ “sức nặng” để khách hàng họ có thể cung cấp cho email cá nhân thì giai đoạn này sẽ giúp bạn tăng thêm “sức nặng” nhé.
Doanh nghiệp bạn đang xây dựng nội dung trên website và có rất nhiều bài đăng mang những giá trị lâu dài cho khách hàng. Các nội dung này thường không hoặc rất hiếm khi trở nên vô dụng mà mất giá trị theo thời gian – hay còn gọi là các nội dung thường xanh (evergreen content).
Những nội dung này thường sẽ là những “cột thu” traffic cho website của bạn vì tính hữu ích của bài viết luôn tồn tại theo thời gian. Chính vì vậy, bạn có thể cân nhắc đến việc để form đăng ký email ở các nội dung này để tăng tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) từ chỉ là người ghé thăm ( visitor) chuyển đổi thành subscriber.
Ví dụ, doanh nghiệp bạn đang kinh doanh gia vị nấu ăn và doanh nghiệp bạn đang làm một series hướng dẫn những món ngon tại nhà. Series này của doanh nghiệp bạn vô cùng được các bà nội trợ yêu thích và săn đón.
Doanh nghiệp bạn hãy nắm bắt điều này và để một form đăng ký email với tiêu đề mang tính kêu gọi hành động (Call to action) như: “Hãy đăng ký email của bạn ngay để không bỏ lỡ những công thức nấu ăn mới nhất từ đầu bếp A”.
Để tăng thêm sức hấp dẫn, bạn có thể gia tăng thêm phần thưởng “khi đăng ký email bạn sẽ nhận được phiếu giảm giá 30% khi mua tại cửa hàng”.
Thế là ở đây, bạn vừa cho người dùng 2 lý do để tiến hành cung cấp email cho doanh nghiệp của bạn: không bỏ lỡ những series nấu ăn hay, mà còn nhận được phiếu giảm giá cho lần đi mua sắm sau.
Phương pháp này sẽ tăng thêm lượng giá trị cảm nhận của khách hàng, từ đó làm cho họ sẵn sàng cung cấp email của họ hơn. Doanh nghiệp cũng có thể sản xuất ít nội dung hơn nhưng lại yêu cầu từng nội dung phải mang lại giá trị cao hơn và lâu dài hơn cho người dùng thì khi áp dụng vào phương pháp này mới phát huy hết hiệu quả.
Và nếu như, phương pháp này của bạn vẫn chưa đủ sức thuyết phục để người dùng để lại email của họ thì giai đoạn sau sẽ một lần nữa gia tăng “sức quyến rũ”.
Giai đoạn 5: Pop-ups
Một số người trong chúng ta cho rằng việc sử dụng Pop-ups ( các cửa sổ quảng cáo hay có thể hiểu như các cửa sổ bật mở, hiển thị khi ta đang tiến hành xem một nội dung nào đó) sẽ khiến cho người dùng phản cảm và sẽ rời đi ngay vì làm ảnh hưởng đến trải nghiệm xem nội dung của họ.
Trên thực tế thì cũng không thực sự là như vậy, chúng ta phải công nhận rằng khi người dùng đang chăm chú xem những nội dung của chúng ta trên website, họ đang rất thích thú thì những Pop-ups này “nhảy” ra và làm gián đoạn quá trình trải nghiệm của họ, họ chắc chắn sẽ cảm thấy rất phiền và khó chịu.
Nhưng, nếu như Pop-ups xuất hiện khi người dùng đang muốn rời bỏ website thì sao? Đây có thể cho là một điều hoàn toàn khác. Đây sẽ là một trong những nỗ lực cuối cùng để thu hút người dùng tiếp tục dành thời gian trên website của bạn và tăng tỷ lệ họ để lại email.
Ở giai đoạn này, khi nhận thấy khách hàng có dấu hiệu rời bỏ khỏi website, Pop-ups nên được kích hoạt, trên Pop-ups bạn nên để những nội dung ngắn và súc tích, nhưng phải cực kỳ cuốn hút thì mới có thể giữ chân người dùng.
Lưu ý, trên Pop-ups, bạn không nên để những yêu cầu liên quan tới việc muốn thu thập email người dùng. Điều này chỉ làm cho họ cảm thấy khó chịu và rời đi nhanh hơn, Thay vào đó, doanh nghiệp nên để trên đó một nội dung “đánh trúng” vào khát khao của họ, những điều họ mong muốn. Từ đó họ sẽ click vào Pop-ups.
Những Pop-ups này nên được liên kết với các bài viết liên quan đến nội dung trên Pop-ups đã đề cập. Khi người dùng được đưa tới những bài viết giá trị, những nội dung “thường xanh” của bạn thì họ sẽ thích thú. Sau đó, trên các bài viết này sẽ để các form thu thập email người dùng và kết hợp với món quà họ sẽ nhận được khi cung cấp email thì tỷ lệ người ghé thăm để lại email sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể để các Fly-ins ở dưới cùng của các bài đăng nếu bạn cho rằng việc sử dụng Pop-ups sẽ ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm của người dùng.
Và nếu nỗ lực này vẫn chưa đủ để níu kéo những người dùng khó tính thì giai đoạn 6 sẽ là cú “chốt” để những người dùng để lại email của họ.
Giai đoạn 6: Nâng cấp nội dung – cú “chốt” cuối cùng
Nâng cấp nội dung bạn cung cấp cho người dùng để tối đa hóa tỷ lệ chuyển đổi. Có thể nói một cách đơn giản, bạn có thể tiến hành nâng cấp nội dung bằng cách kết hợp CTAs (Call To Action – kêu gọi hành động) và Lead Magnets để tối đa hóa hiệu quả.
Cụ thể, ta có ví dụ như sau: Vẫn là doanh nghiệp bạn đang kinh doanh gia vị nấu ăn và doanh nghiệp bạn đang làm một series hướng dẫn những món ngon tại nhà. Series này của doanh nghiệp bạn vô cùng được các bà nội trợ yêu thích và săn đón.
Nếu như ở giai đoạn trước, bạn chỉ đơn thuần là kêu gọi hành động là đăng ký email để không bỏ lỡ các phần mới của series và khi đăng ký, họ sẽ nhận được phiếu giảm giá 30%. Hai hoạt động này khá rời rạc với nhau.
Với phương pháp này, thì không đơn giản như vậy nữa. Phần quà bạn tặng sẽ liên quan trực tiếp đến nội dung trong bài post bạn đề cập như: “ Đăng ký email của bạn ngay để nhận trọn bộ miễn phí bộ sách dạy nấu ăn từ đầu bếp A” .
Lúc này, bạn có thể thấy Call To Action là “đăng ký email của bạn ngay” và Lead Magnet sẽ là “ trọn bộ miễn phí bộ sách dạy nấu ăn từ đầu bếp A”.
Bạn có thể kết hợp với Pop-ups ở đây. Khi khách hàng đã xem xong nội dung và trước khi họ thoát, Pop-ups sẽ được kích hoạt với nội dung như trên, để khách hàng sau khi xem xong nội dung cảm thấy thú vị, họ muốn tìm hiểu sâu hơn thì dưới sự kết hợp của Call To Action và Lead Magnets, họ sẽ sẵn sàng cung cấp email của họ.
Đặc biệt, nếu nội dung thường xanh (Evergreen content) của bạn càng chất lượng và chắc chắn số lượng những nội dung này sẽ tăng theo thời gian thì với những thủ thuật như trên, số lượng email đổ về cho doanh nghiệp của bạn sẽ càng cao.
Theo tỷ lệ thống kê, thì nếu bạn làm đúng và áp dụng tốt những thủ thuật như trên thì tỷ lệ chuyển đổi của bạn có thể đạt đến 50%, tùy thuộc vào chất lượng cũng như số lượng của các nội dung của bạn.
Kết luận
Qua bài viết, mong là mọi người đã trang bị được cho mình cách làm thế nào để có một email list thật chất lượng, cũng như các bước thực hiện từ chọn những EMS nào là tối ưu cho người mới bắt đầu, cũng như phải tạo Subscribe Form để thu thập thông tin người dùng và làm thế nào để người dùng sẵn lòng cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
Đi qua các giai đoạn, các thủ thuật như Lead Magnets, Call To Action, Pop-ups và nâng cấp nội dung cung cấp cho người dùng bằng cách kết hợp các thủ thuật này lại với nhau để từ đó tối đa hóa tỷ lệ người dùng để lại email.
Chúc các bạn thành công!