Outbound Marketing là gì?

Outbound Marketing là sự phối hợp của nhiều chiến lược, chiến thuật Marketing khác nhau để nhắm đến một số lượng lớn đối tượng. Outbound Marketing hay còn gọi là chiến lược đẩy (push marketing), tức đề cao việc truyền tải đúng thông điệp và khơi gợi nhu cầu bên trong khách hàng khi họ vẫn chưa ý thức được nhu cầu của mình.

Trong Outbound Marketing, để tiếp cận được một khối lượng lớn đối tượng như vậy, các Marketers phải kết hợp các công cụ Marketing truyền thống và cả các công cụ Digital như: gửi email, display ads, trade shows ( hội chợ thương mại),…

Outbound Marketing có thể nói là trái ngược với Inbound Marketing (pull marketing). Trong Inbound Marketing hay còn gọi là “Marketing từ bên trong”, khi khách hàng gặp một vấn đề nào đó, họ tìm đến sản phẩm của doanh nghiệp, Inbound Marketing sẽ thu hút, kết nối, làm họ thích thú và mua sản phẩm.

Trong Outbound Marketing, thay vì khách hàng sẽ gặp vấn đề nào đó và tim đến sản phẩm của doanh nghiệp thì ở đây Outbound Marketing sẽ khơi gợi nhu cầu của khách hàng.

Tức là khách hàng vẫn chưa nhận thức được vấn đề của mình thì Outbound Marketing sẽ khơi gợi lên, giúp họ nhận ra và giải quyết vấn đề đó qua việc truyền tải đúng thông điệp của sản phẩm, chú trọng vào sản phẩm và thuyết phục khách hàng mua.

Cũng chính do tính chất đặc thù này nên kỹ thuật “tiếp cận rải thảm” (carpet – approach) được xem là một kỹ thuật hiệu quả và sử dụng khá phổ biến trong Outbound Marketing.

Kỹ thuật “tiếp cận rải thảm” cho phép sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận được một lượng rất lớn đối tượng mục tiêu mặc kệ họ có thực sự có nhu cầu hay không nên thường bị xem là làm phiền và gây khó chịu.

Phân loại các kênh truyền thông trong Outbound Marketing

Trong Marketing, bạn có thể từng nghe thấy các thuật ngữ như: Below the line (BTL) và Above the line (ATL). Đây là các thuật ngữ mà giới Marketing thường dùng để phân biệt các hoạt động Marketing theo mục tiêu, phương thức hoạt động, các phương tiện cũng như các phương pháp được sử dụng.

Sau đây là một số kênh truyền thông mà Outbound Marketing sử dụng và được phân biệt theo hình thức là ALT hay BTL:

Quảng cáo truyền thống (Traditional advertising)

Các hình thức quảng cáo truyền thống được biết đến là các hoạt động marketing Above the line (ATL), một số hình thức quảng cáo truyền thống có thể kể đến như là: quảng cáo qua TV (TVC), radio, các ấn phẩm nói chung ( báo giấy, tạp chí, tuần san,…) hay các biển quảng cáo ngoài trời ( Out Of Home – OOH).

Các hình thức truyền thống này cho phép doanh nghiệp có thể truyền tải thông điệp đến một lượng lớn người xung quanh nhưng lại khó có thể nhắm chuẩn xác vào nhóm đối tượng mục tiêu mà doanh nghiệp nhắm tới.

Các hoạt động truyền thông ATL sẽ rất hiệu quả trong các chiến dịch ra mắt sản phẩm mới, hay các chiến dịch nâng cao độ nhận biết của thương hiệu (brand awareness). Khi đó, khách hàng chưa biết về sự tồn tại của sản phẩm.

Thương hiệu sử dụng các hoạt động ATL tiến hành “rải thảm”, để mọi người đều có sự nhận biết về sự tồn tại của thương hiệu. Vì về cơ bản, quá trình mua hàng của khách hàng sẽ trải qua 4 bước: (1)nhận biết, (2)hiểu, (3)yêu thích và (4)mua. Vì vậy, nếu khách hàng không biết vè sự tồn tại của sản phẩm thì doanh nghiệp đã thất bại ngay từ bước đầu.

Tuy có một số hoài nghi về tính hiệu quả của hình thức Marketing truyền thống do không có đối tượng mục tiêu tiếp cận cụ thể mà chỉ quan tâm chủ yếu đến số lượng người tiếp cận được. Tuy vậy, nếu cân nhắc về số người xem TV, nghe radio hay số người đọc báo hàng ngày thì vẫn được cân nhắc là một kênh truyền thông hiệu quả.

Trong nhiều người tiếp cận được chắc chắn sẽ có các đối tượng mục tiêu mà doanh nghiệp nhắm tới. Bên cạnh đó, chi phí trên đầu người không quá cao so với các hình thức khác nên vẫn được ưa chuộng.

Quảng cáo kỹ thuật số (Digital Advertising)

Với sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật thì quảng cáo kỹ thuật số đã ra đời. Cách đây 27 năm, tức vào năm 1994, quảng cáo kỹ thuật số chưa có khả năng nhắm vào đối tượng mục tiêu mà doanh nghiệp mong muốn.

Hiện tại, dưới sự phát triển của công nghệ thì quảng cáo kỹ thuật số ngày càng trở nên tinh vi và đã có khả năng nhắm đến đối tượng mà doanh nghiệp mong muốn. Một số loại quảng cáo kỹ thuật số sau đây hy vọng sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn thể hơn về kênh quảng cáo này:

  • Search Engine Marketing (SEM)
  • Display ads ( quảng cáo hiển thị)
  • Social media ads ( quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội)
  • Over the top ads ( OTT – quảng cáo trên các ứng dụng cho phép nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí nếu có kết nối Internet như; Zalo, Viber,..)
  • Email Ads ( quảng cáo qua email)
  • Quảng cáo qua video

Quảng cáo kỹ thuật số cho phép doanh nghiệp có thể cho phép doanh nghiệp xác định được đối tượng mà họ muốn nhắm đến theo các tiêu chí: về địa lý, về nhân khẩu học, vê tâm lý, về hành vi). Đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Ngày nay, quảng cáo kỹ thuật số còn cung cấp các phương pháp target khách hàng nâng cao, cho phép doanh nghiệp tiếp cận với phân khúc khách hàng rộng hơn và chính xác hơn. Do có khả năng nhắm chuẩn xác đối tượng mục tiêu nên quảng cáo kỹ thuật số là một phần của hình thức truyền thông BTL.

Through the line (TTL)

Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì hình thức Through the line (TTl) là hoạt động Marketing kết hợp cả BTL và ATL với nhau để có thể tiếp cận và tương tác với khách hàng trên nhiều phương tiện, nhiều kênh khác nhau, ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng đều để truyền thông một thông điệp duy nhất xuyên suốt.

Chính vì sự tiện ích này mà hình thức TTL được áp dụng ở rất nhiều kênh khác nhau, các giao tiếp, tương tác với người dùng. Ví dụ như khi tiến hành một kế hoạch truyền thông, doanh nghiệp có thể áp dụng cả 2 hình thức ATL và BTL.

Đối với TTL, doanh nghiệp có thể tiến hành nâng cao nhận thức của người dùng thông qua sử dụng các công cụ truyền thông như: TVC, báo chí và các bài đăng trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sử dụng hình thức BTL như: cài vending machine bên đường, tổ chức các event ngoài trời, chạy các display ads ,… để từ đó tối ưu hiệu quả và cả doanh thu.

Cold Calling (Telemarketing)

Cold Calling – tiếp thị qua điện thoại hoặc chúng ta hay nghe nói đến là “Telemarketing”. Đây là một trong những hinh thức Marketing lâu đời và được xem là đang trở nên lạc hậu.

Trong kênh truyền thông này, doanh nghiệp sẽ thông qua database ( nguồn dữ liệu thông tin khách hàng) gọi điện thoại đến cho khách hàng tiềm năng.Công việc của người gọi là sẽ đánh giá về sự tiềm năng của khách hàng và chuyển đổi họ thành những khách hàng thật thụ, làm cho họ yêu thích và nảy sinh ý định mua sản phẩm.

Telemarketing khác với Telesale ( bán hàng qua điện thoại), telemarketing nhiệm vụ chủ yếu là sẽ khơi gợi nhu cầu khách hàng, thu thập các thông tin và phản hồi của khách hàng, tạo ra các cơ hội để bán hàng hoặc bán hàng qua điện thoại. Trong đây, bán hàng không phải là mục tiêu cốt lõi nhất của telemarketing

Telesale thì khác, được tạo ra chuyên để bán hàng qua điện thoại, để chốt lại các thành quả của telemarketing.

Email Marketing

Email Marketing – tiếp thị qua thư điện tử. Đến hiện tại thì Email Marketing vẫn chưa được xác định là thuộc nhóm Inbound Marketing hay Outbound Marketing. Do tính chất của Email Marketing khá linh hoạt.

Nếu xét dưới khía cạnh là Inbound Marketing thì rõ ràng email sẽ được gửi đến đúng nhóm khách hàng mục tiêu đang có nhu cầu, với đầy đủ các tiêu chí phân khúc doanh nghiệp mong muốn, doanh nghiệp biết rõ được đối tượng mình tiếp cận là ai và có định danh rõ ràng. Bên cạnh đó nội dung email được cá nhân hóa cho từng khách hàng, làm khách hàng mục tiêu yêu thích và hỗ trợ giải quyết nhu cầu/ vấn đề của khách hàng.

Nếu xét dưới góc độ là Outbound Marketing, thì dù khách hàng có mong muốn hay không, thì họ vẫn nhận được các email tiếp thị. Dưới khía cạnh này thì Email Marketing lại mang tính chất của Outbound Marketing, tiếp cận nhiều người nhất có thể, truyền tải thông điệp đến khách hàng dù họ có quan tâm hay không – ở đây nhóm khách hàng không quan tâm, không có nhu cầu sẽ gọi đây là thư rác hay spam

Do vậy, sẽ phụ thuộc vào cách sử dụng của doanh nghiệp thì Email Marketing sẽ là Inbound hay Outbound Marketing.

Sau đây là 10 loại email mà doanh nghiệp thường dùng để gửi cho những subscriber (người đăng ký nhận mail) hay khách hàng của mình:

  • Email welcome – thường được gửi vào lần đầu
  • Email Lead generation – loại thư để tạo khách hàng tiềm năng, biến người “lạ” thành người “quen” những người quan tâm đến thương hiệu, thúc đẩy khách hàng truy cập vào trang đích (landing page). Ở đây “lead” – khách hàng tiềm năng và generation – sự chuyển đổi
  • Email duy trì (nurturing) và follow up – thư cập nhật các tình hình chung của một chiến dịch cụ thể cũng như là duy trì sự tương tác của doanh nghiệp với người dùng
  • Bản tin theo tuần (weekly letter)
  • Email giới thiệu sản phẩm mới
  • Các chiến dịch giữ chân khách hàng
  • Email Upsell hoặc Cross-selling: các email bán kèm hoặc bán chéo. Bán chéo (Cross-selling) tức là mua một sản phẩm có liên quan đến sản phẩm khách vừa mua. Bán kèm ( Upselling) tức là bán một phiên bản tốt hơn của sản phẩm khách vừa mua
  • Email giỏ hàng bị bỏ quên – tức khách hàng đã chọn mua sản phẩm và để trong giỏ nhưng chưa thanh toán. Email này sẽ nhắc nhở họ thanh toán
  • Email thông báo các chương trình khuyến mãi, giảm giá hay các chương trình dành cho khách hàng trung thành.
  • Email xin đánh giá, nhận xét về chất lượng sản phẩm/ dịch vụ của khách hàng

Trong đây, chúng tôi không đề cập đến email giao dịch (transactional email)- email được gửi đến khi khách hàng thực hiện việc mua hàng, xác nhận đơn hàng,…

Lưu ý: sự kết hợp của Email Marketing và Telemarketing, Telesale để tạo ra doanh số bán hàng được gọi là Inside Sale ( tức là bán hàng bên trong), để chỉ quá trình bán hàng từ xa, không gặp mặt trực tiếp khách hàng.

Content Syndication

Content Syndication – là quá trình đưa nội dung đã có sẵn sang một hay nhiều trang web của bên thứ 3. Các nội dung này có thể là một chia sẻ, nhận xét của khách hàng, các bài phỏng vấn hoặc bài viết lại một bài báo của doanh nghiệp.

Đôi khi Content Syndication có thể diễn ra thông qua hợp tác với các thương hiệu khác để tạo ra các nội dung hấp dẫn.

Các nền tảng nội dung khám phá (Content Discovery platforms) là “chị em họ hàng” với Content Syndication. Các platform Content Discovery này là một phần của hình thức quảng cáo truyền thống, cho phép các nhà làm quảng cáo để nội dung của họ trên các trang web của bên thứ 3.

Sự kiện và hội chợ thương mại

Các sự kiện cũng như các hội chợ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ với các khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, các event và hộ chợ có thể hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi các “người lạ” thành các khách hàng tiềm năng, hoặc “biến” những khách hàng tiềm năng thành các khách hàng thực sự của doanh nghiệp.

Các công ty có thể tổ chức các sự kiện lớn hoặc nhỏ tùy thuộc vào kinh phí. Các công ty có thể tổ chức các sự kiện như là sự Dreamforce được tổ chức bởi Salesforce. Đây là một trong những sự kiện rất được mong đợi của giới người dùng công nghệ lớn nhất trong năm.

Nếu doanh nghiệp không có cơ hội hay khả năng tổ chức một sự kiện thì có thể tham gia các sự kiện được tổ chức bởi một bên thứ ba nào đó dưới danh nghĩa là nhà tài trợ hay khách mời tham dự.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu qua các kênh truyền thông của hoạt động Outbound Marketing một cách hoàn chỉnh. Như vậy thì chúng ta có thể vận dụng thế nào trong các chiến dịch Outbound Marketing? Phần tiếp sau sẽ hướng dẫn các bạn cách xây dựng một chiến lược Outbound Marketing hoàn chỉnh

Ưu điểm và khuyết điểm của Outbound Marketing

Ưu điểm

Điều đầu tiên, Outbound Marketing không cần tốn quá nhiều thời gian để áp dụng và cũng không trải qua quá nhiều giai đoạn. Outbound Marketing có thể triển khai nhanh chóng một cách dễ dàng và đạt được kết quả nhanh chóng hơn nhiều khi so sánh với Inbound Marketing.

Chính vì vậy, đối với Outbound Marketing, hình thức này không yêu cầu doanh nghiệp phải kiên nhẫn hay đầu tư quá nhiều vào thời gian đầu như với Inbound Marketing.

Điều thứ hai, Outbound Marketing có thể áp dụng cho các sản phẩm đại trà không có sự khác biệt quá lớn trong ngành hàng, doanh nghiệp muốn thu hồi vốn và sinh lời nhanh. Điều này khác với Inbound Marketing.

Đối với Inbound Marketing, sản phẩm của doanh nghiệp phải thực sự chất lượng, phải có “chất riêng” và thường là những sản phẩm có giá thành cao, thuộc phân khúc trung và cao cấp, và thường hướng đến giá trị lâu dài, không phù hợp cho những doanh nghiệp muốn sinh lời nhanh.

Điều thứ ba, ngay cả đối với các doanh nghiệp non trẻ với đội ngũ thiếu kinh nghiệm vẫn có thể vận hành, sử dụng được các công cụ Outbound Marketing một cách trơn tru nhất định. Vì inbound Marketing là tập trung vào khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm, cần có những nhân sự chất lượng để cải tiến Inbound Marketing.

Khuyết điểm

Điều đầu tiên và cũng là điều chúng ta có thể thấy rõ ràng nhất là việc người dùng bị làm phiền. Do Outbound Marketing là tối đa hóa lượng người tiếp cận và tiếp cận luôn cả những đối tượng không có nhu cầu. Chính vì vậy người dùng cảm thấy bị làm phiền và có ác cảm với cả thương hiệu.

Chính vì hiện tại chúng ta đang sống trong thời đại mà quảng cáo và truyền thông phá triển hơn bao giờ hết, người dùng phải tiếp cận với vô số quảng cáo mỗi ngày. Kết quả là họ đã cài đặt những phần mềm chặn quảng cáo trên web, chặn các số điện thoại lạ và chặn email rác. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Điều thứ hai, Outbound Marketing nhìn chung là cần lượng ngân sách lớn hơn so với các biện pháp Inbound Marketng. Chính vì vậy, với chi phí quảng cáo ngày một cao như hiện nay, Outbound Marketing sẽ tiêu tốn một khoảng rất lớn của doanh nghiệp và làm giá thành sản phẩm tăng lên, gây khó khăn trong việc cạnh tranh.

Điều thứ ba, Outbound Marketing giúp doanh nghiệp tăng cao độ nhận diện trong thời gian ngắn, kêu gọi việc mua hàng nhưng lại không giúp gia tăng lòng tin cũng như chất lượng khách hàng của doanh nghiệp. Đặc biệt đối vơi các doanh nghiệp B2B (Business to Business), các doanh nghiệp bán các sản phẩm có giá trị cao , khách hàng cần nhiều thời gian để cân nhắc sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng bằng Outbound Marketing.

Các bước xây dựng chiến dịch Outbound Marketing

Việc xây dựng một chiến lược Outbound Marketing thực sự không đơn giản, việc này yêu cầu doanh nghiệp phải có một sự chuẩn bị kỹ càng, dự tính được trước các tác động tích cực lẫn tiêu cực, đặc biệt phải quản trị rủi ro thật tốt.

Lý do của việc quản trị rủi ro tốt vì Outbound Marketing chú trọng đến việc tiếp cận càng nhiều người càng tốt, các công cụ sử dụng là các công cụ truyền thông đại chúng (mass media), nên nếu có bất kỳ một lỗi lầm nào trong thông điệp truyền tải thì doanh nghiệp rất khó vãn hồi.

Nếu không xử lý tốt, nhẹ thì doanh nghiệp chỉ mất tiền cho các công cụ truyền thông, không mang lại hiệu quả gì, xem như “vứt tiền qua cửa sổ”. Còn nếu trường hợp nặng thì doanh nghiệp có thể gây ra khủng hoảng truyền thông (media crisis), gây sụt giảm nghiêm trọng đến doanh số bán hàng, phá vỡ hình ảnh thương hiệu và tệ hơn thì phá sản.

Chính vì vậy, doanh nghiệp nên cẩn trọng trong việc xây dựng các chiến lược Outbound Marketing. Sau đây là các bước thực hiện:

Bước 1: Hiểu rõ về sản phẩm doanh nghiệp

Việc hiểu rõ về sản phẩm của doanh nghiệp khá quan trọng vì điều này sẽ ảnh hưởng đến các nền tảng mà doanh nghiệp sẽ sử dụng trong chiến dịch.

Các nền tảng truyền thông được sử dụng trong chiến lược Outbound Marketing của các doanh nghiệp B2C ( Business to Consumer – doanh nghiệp đến người dùng) sẽ khác với các doanh nghiệp B2B (Business to Business – doanh nghiệp đến doanh nghiệp).

Đối với các công ty B2C, sản phẩm của họ có thể được quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: TV, báo chí,… và tiếp cận nhiều người dùng bình thường nhất có thể, dựa trên quy mô của nhóm khách hàng mục tiêu.

Trong khi các công ty B2B thì khác, sản phẩm của họ không phải là các sản phẩm có thể bán lẻ được hoặc đây là các sản phẩm, nguyên liệu đặc thù để bán cho doanh nghiệp như các công ty sản xuất bao bì hay các công ty sản xuất nguyên liệu thô đầu vào.

Đối với các công ty này thì việc xuất hiện trên TV hay các tờ báo phổ thông là không cần thiết vì đối tượng sẽ xem những thông tin này không phải nhóm đối tượng họ nhắm đến, sẽ gây lãng phí. Họ cần được sản xuất trên các tạp chí trong ngành, các ấn phẩm trong ngành thì khi đó đối tượng tiếp cận sẽ đúng là các doanh nghiệp họ cần bán sản phẩm cho.

Bước 2: Xác định được khán giả mục tiêu

Trong bất kỳ một chiến lược Marketing nào, việc xác định rõ đối tượng mục tiêu rất quan trọng vì việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp biết được họ nên dùng những phương tiện truyền thông nào và cách tiếp cận như thế nào đối với nhóm đối tượng mục tiêu này.

Nhằm tối ưu hóa hiệu quả truyền thông cũng như phác họa được rõ nét nhất chân dung đối tượng mục tiêu, doanh nghiệp nên xây dựng các Buyer Personas ( chân dung một đối cụ thể với đầy đủ tên, tuổi, các yếu tố nhân khẩu học, địa lý, đặc điểm tâm lý, hành vi của đối tượng đó) đại diện cho nhóm đối tượng mục tiêu mà chiến dịch nhắm tới. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về đối tượng mà mình đang nhắm tới.

Việc xây dựng Buyer Personas rất quan trọng vì khi cùng sử dụng một kênh truyền thông, những sản phẩm cũng như đối tượng khác nhau thì nội dung truyền thông cũng phải khác biệt.

Ví dụ như một công ty ngành hàng FMCG tung ra sản phẩm mới, họ sẽ tung thông tin đó lên báo phổ thông, nhưng một công ty sản xuất thuốc bao bì ra mắt công nghệ sản xuất mới thì sẽ truyền thông trên các báo chuyên ngành nông nghiệp.

Bước 3: Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

Outbound Marketing lớn mạnh là nhờ có sự cạnh tranh khốc liệt. Hiện nay, các kênh truyền thông có thể nói đã bị bão hòa và để giành được sự chú ý của khách hàng, họ cần phải nổi trội, vượt lên các đối thủ. Khi giành được sự chú ý của khách hàng, khi đó doanh nghiệp mới có cơ hội để lại dấu ấn trong tâm trí khách hàng, làm họ nhận biết về thương hiệu.

Chính vì vậy, doanh nghiệp phải luôn chú ý đến đối thủ cạnh tranh của mình, đặc biệt là đối thủ cạnh tranh chính, “đọc vị” được chiến lược của họ, xác định những gì mà họ còn bỏ lỡ để từ đó tìm cách trở nên nổi bật hơn họ.

Trong Marketing có một loại chiến thuật gọi là Marketing du kích (Guerrilla Marketing), đây là chiến thuật Marketing không có mục tiêu dài hạn, chiến lược dài hạn, ngân sách thấp, gọn và nhẹ. Mục đích chủ yếu của loại chiến thuật này chỉ là quấy rối đối thủ và tạo phiền phức trong thời gian ngắn.

Bước 4: Sáng tạo thông điệp truyền thông

Đây có thể xem là bước cốt lõi và quan trọng nhất của cả chiến dịch. Doanh nghiệp cần xác định được key message (thông điệp) của chiến dịch và tiến hành truyền thông thông điệp đó cho người dùng.

Để có thể sáng tạo được thông điệp, doanh nghiệp cần tìm được insight của người dùng. Để có được insight của đối tượng mục tiêu, người làm marketing cần dựa vào Buyer Personas đã có, xác định được nhóm người này ngoài thực tế và tiến hành khảo sát. Trong trường hợp không có điều kiện khảo sát, doanh nghiệp có thể mua báo cáo của các công ty chuyên gia để phân tích.

Từ kết quả khảo sát, hay kết quả rút ra được từ báo cáo mà doanh nghiệp có được, doanh nghiệp tiến hành tìm ra “sự thật ngầm hiểu” (Truth) đứng sau các kết quả số liệu đó. Sau khi xác định được Truth, doanh nghiệp mới tiến hành đào sâu, tìm hiểu mới xác định được Insight (Nội cảm).

Insight là các “nỗi đau” hay là các “sự mong muốn” của nhóm đối tượng mục tiêu, từ Insight có được, doanh nghiệp mới tiến hành viết thông điệp truyền thông (key message). Thông điệp chính là những gía trị mà doanh nghiệp muốn truyền tải đến đối tượng mục tiêu, là những gì họ sẽ nhận được từ doanh nghiệp khi tiến hành mua sản phẩm.

Thông điệp này cũng cần phải tạo được cảm xúc hay ấn tượng để lưu giữ được trong tâm trí khách hàng.

Để thông điệp của chương trình trở nên viral, doanh nghiệp có thể sử dụng kỹ thuật Storytelling trong sáng tạo nội dung. Những nội dung này sẽ thu hút sự chú ý và tương tác của nhóm khán giả mục tiêu.

Bước 5: Chọn các công cụ, nền tảng truyền thông

Chiến lược truyền thông tổng hợp cần lưu ý các kênh truyền thông sẽ được sử dụng để tiến hành “chạy” chiến dịch. Các kênh truyền thông có thể là online, offline hay sự kết hợp của cả online và offline. Vấn đề ngân sách cũng như về vấn đề thơi gian diễn ra chiến dịch cũng nên được cân nhắc kỹ càng để chiến dịch có đủ thời gian “ngấm” vào nhóm khán giả mục tiêu.

Sau khi đã xác định được chiến dịch Outbound Marketing của doanh nghiệp sẽ được triển khai trên các kênh truyền thông nào thì doanh nghiệp cần đưa ra chiến lược nhỏ cho từng kênh để tối đa hóa hiệu quả.

Ví dụ: đối với quảng cáo trên mạng xã hội, doanh nghiệp cần lập kế hoạch, chỉ rõ đối tượng mục tiêu, quảng cáo, đặt giá thầu, v.v. Tương tự, đối với quảng cáo trên báo, hay sản xuất TVC, doanh nghiệp có thể phải làm việc với một Agency (công ty cung cấp dịch vụ Marketing) như thế nào và để tiến hành đặt các sản phẩm truyền thông như thế nào, khi nào nhận sản phẩm,vv.

Kết luận

Thông qua bài viết này, chúng tối hi vọng bạn đã có cái nhìn tổng quát về Outbound Marketing, về các kênh truyền thông của Outbound Marketing, phân biệt được Inbound Marketing và Outbound Marketing cũng như các bước làm thế nào để đề xuất ra được một chiến lược Outbound Marketing cụ thể. Chúc các bạn thành công!