Inbound Marketing là gì?
Khác với Outbound Marketing (TVC, OOH,…) thì Inbound Marketing lại chú trọng vào việc “ điều hướng” khách hàng, tập trung vào nhu cầu, mong muốn bên trong và hành trình mua hàng (Buying Journey) của người mua.
Cụ thể là Inbound Marketing sẽ xác định “nỗi đau” của khách hàng (pain point), từ đó gợi ý các giải pháp cho khách hàng, thu hút khách hàng mua sản phẩm. Ở từng giai đoạn mua hàng trong buying journey sẽ có các bước tiếp cận khác nhau dựa theo phễu marketing.
Trong từng giai đoạn, các nội dung đã được lên kế hoạch kỹ càng trước đó sẽ được tung ra nhắm tới nhóm khách hàng mục tiêu. Bắt đầu từ việc gây cho họ sự chú ý, biết đến sản phẩm, rồi làm họ hiểu về sản phẩm của bạn và sau đó là yêu thích đối với sản phẩm trong suốt vòng đời mua hàng của họ (buying lifecycle).
Trong Inbound Marketing, điều quan trọng nhất có lẽ là làm cho nhóm khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp tiếp cận được các nội dung này, vì nếu họ không biết thì các bước phía sau sẽ không xảy ra.
Ví dụ như khi viết content marketing, doanh nghiệp nên tối ưu hóa nội dung để các bài đăng này có thể xuất hiện ở phía đầu các trang tìm kiếm hay các trang mạng xã hội, thu hút các khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.
Có thể kể đến các phương pháp quảng bá nội dung như: Tối ưu SEO, Email Marketing, Facebook Ads, Google Ads …
Các nội dung được đăng tải nên được trau chuốt tỉ mỉ và có kế hoạch cũng như mục tiêu rõ ràng phục vụ cho từng giai đoạn. Doanh nghiệp phải xác định được bài đăng nào sẽ làm cho khách hàng chú ý, nội dung nào làm khách hàng thích thú cũng như nội dung nào sẽ “kéo” các vị khách này đến điểm bán của bạn, giúp bạn tăng doanh thu bán hàng.
Nắm vững được những điểm này, khi đó doanh nghiệp mới biết nên sử dụng những kênh truyền thông nào để tối đa hóa hiệu quả và hạn chế được việc “ném tiền qua cửa sổ”.
Nói chung, Inbound Marketing là phương pháp Marketing “từ bên trong”, dựa trên những nội dung và giá trị hữu ích để tương tác, thu hút khách hàng đến với thương hiệu.
Lợi ích của Inbound Marketing là gì?
Thay thế cho cách làm Marketing truyền thống
Inbound Marketing tập trung vào việc thu hút chính xác các nhóm khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp mong muốn, làm cho họ hiểu hơn về doanh nghiệp cũng như sản phẩm, từ đó làm cho nhóm khách hàng này yêu thích và tiếp tục duy trì sự yêu thích này đối với doanh nghiệp.
Cách làm Marketing truyền thống ngày nay đã trở nên kém hiệu quả và khó còn có thể giữ chân được các khách hàng hiện nay. Đây cũng là lý do vì sao Inbound Marketing lại nổi lên trong những năm gần đây và dần thay thế vị trí của Marketing truyền thống.
Tăng doanh thu nhưng không cần phải chủ động bán hàng
Tăng doanh thu nhưng lại không cần phải bán hàng? Đã qua rất lâu rồi thời đại các nhân viên tiếp thị đi khắp nơi, gõ cửa từng nhà để bán sản phẩm. Hiện nay, khách hàng sẽ tìm đến bạn thay vì bạn tìm đến khách hàng. Chuyện này có thể xảy ra bằng cách nào? Bằng cách làm thương hiệu.
Thông qua việc quảng bá về sản phẩm, về doanh nghiệp, từ đó chiếm giữ vị trí trong hàng đầu trong tâm trí khách hàng (Top of mind – TOM), để khi khách hàng họ có nhu cầu về sản phẩm trong ngành hàng mà doanh nghiệp bạn đang kinh doanh, khách hàng sẽ nghĩ đến bạn đầu tiên.
Làm cho khách hàng cảm thấy tự nhiên và thoải mái khi mua sản phẩm
Inbound Marketing giúp cho khách hàng cảm thấy hoàn toàn tự nhiên khi đưa ra quyết định mua sản phẩm. Vì bản chất của Inbound Marketing là tìm ra các “pain point” tức các vấn đề của khách hàng đang gặp phải, những “nỗi đau” của họ và đưa ra hướng giải quyết cho khách hàng thông qua các giải pháp của doanh nghiệp- tức là sản phẩm mà doanh nghiệp đang bán.
Tức là bạn đang tiếp cận đúng đối tượng đã có nhu cầu hoặc đang nảy sinh nhu cầu với sản phẩm mà doanh nghiệp đang cần. Từ đó, khách hàng cảm thấy thoải mái khi ra quyết định mua, vì họ đang cần hoặc họ tin rằng họ đang cần sản phẩm này của doanh nghiệp.
Khác với Outbound – bạn sẽ chủ động “dội bom” khách hàng thông qua các phương tiện truyền thông, làm cho khách hàng cảm thấy khó chịu vì bản thân họ không có nhu cầu nhưng lại phải “nghe” về thông tin không cần thiết.
Triết lý của Inbound Marketing: “Lấy khách hàng làm trung tâm”
Có thể nói ở thời điểm hiện tại, là một trong những thời điểm mà các phương tiện truyền thông đại chúng (Mass media) phát triển mạnh nhất.
Bạn hoàn toàn có thể dễ dàng thấy tràn lan các poster, các bảng quảng cáo ngoài trời, trên xe buýt, các TVC trên TV, trên các tờ báo hay radio. Người tiêu dùng có cảm giác rằng quảng cáo đang bủa vây họ từ tứ phía. Họ cảm thấy bị làm phiền bởi sự tràn lan và ồn ào này.
Bên cạnh đó, bởi chính sự “thổi phồng” quá đáng của các doanh nghiệp về sản phẩm, để khi khách hàng mua sản phẩm nhưng lại không nhận được như những gì họ kỳ vọng, khách hàng tức giận và cảm thấy bị lừa dối.
Chính vì thế, quảng cáo ngày nay bị gắn mác “quảng cáo nói láo”. Cũng chính vì lý do này mà quảng cáo lại trở nên kém hiệu quả đi.
Do các yếu tố nêu trên mà ngày nay với sự phát triển của công nghệ, khách hàng mục tiêu được trang bị các công cụ để quét sạch những thứ họ không muốn nghe, thấy ra khỏi cuộc sống của họ như các bộ lọc mail rác, khả năng chặn các số máy không mong muốn, chặn quảng cáo.
Công nghệ đã cho phép họ chặn các quảng cáo họ không mong muốn, chính vì vậy nên Outbound Marketing đã trở nên yếu thế đi, khách hàng có xu hướng chỉ quan tâm đến những gì họ muốn quan tâm, nên Inbound Marketing ra đời và thay thế dần cho vị trí của Outbound Marketing
Sự khác nhau của Inbound Marketing và Outbound Marketing
- Như đã trình bày, Inbound Marketing với triết lý “ Lấy khách hàng làm trung tâm”. Với sự hỗ trợ của Big Data, Cookies, Inbound Marketing tập trung vào việc tìm ra các nhu cầu đang hoặc có thể hiện hữu của khách hàng và thỏa mãn họ. Inbound marketing cho khách hàng cảm nhận được sự chủ động và quyền ra quyết định khi mua hàng.
- Trái lại, Outbound Marketing lại “ lấy người bán làm trung tâm”. Outbound Marketing lại quan tâm đến việc người bán bán những sản phẩm gì, công dụng ra sao và truyền thông cho những điều này, mặc kệ khách hàng có đang thực sự quan tâm đến sản phẩm hay không.
- Inbound Marketing tạo cho khách hàng cảm thấy tự nhiên và dễ chịu hơn khi mua sản phẩm, tập trung vào sự sáng tạo và cuốn hút đối với mục tiêu nhất định. Chính vì vậy, cũng dễ tạo thiện cảm và xây dựng được mối quan hệ bền vững với khách hàng hơn.
- Chưa dừng lại ở đó, nếu so về tổng kinh phí chi cho ngân sách thì Inbound Marketing sẽ rẻ hơn trông thấy do chỉ tiếp cận đúng các đối tượng cần phải tiếp cận, Outbound Marketing thì lại đắt hơn do phải tiếp cận một số lượng lớn người xem mục tiêu, từ đó lọc ra các khách hàng thực sự.
Chiến lược Inbound Marketing
Xác định chân dung cụ thể của 1 khách hàng cụ thể và thị trường mục tiêu
Những công cụ trước đây bạn nghĩ là Inbound Marketing như: email marketing, message marketing, Google Ads,… đều không đúng. Chúng chỉ là những công cụ để triển khai và cũng chỉ là một bộ phận rất nhỏ của Inbound Marketing mà thôi.
Như các cách Marketing truyền thống, trong Inbound Marketing, bạn vẫn phải xác định ai là người mua hàng mà bạn đang nhắm tới, có thể nói đây là bước nền tảng để lập một chiến lược Inbound Marketing nói riêng và các chiến lược Marketing nói chung ở bất kỳ một lĩnh vực hay ngành nghề nào.
Đầu tiên sẽ bắt đầu với việc nghiên cứu thị trường, trong Marketing truyền thống, các nhà nghiên cứu thị trường sẽ phải thu thập thông tin và mô tả lại các phân khúc thị trường mục tiêu. Phân khúc thị trường mục tiêu được hiểu là nhóm các khách hàng có nhu cầu hoặc có tính cách tương đối giống nhau lại chung với nhau.
Trong Inbound Marketing, có 4 yếu tố mà bạn cần quan tâm để xác định khách hàng mục tiêu chất lượng: nhân khẩu học (tuổi tác, giới tính, thu nhập,..), vị trí địa lý, hành vi và tâm lý đặc trưng của nhóm người này. Từ những thông tin như trên, các Inbound Marketer sẽ có thể đào sâu thêm và phác họa ra chân dung của một khách hàng cụ thể như thế nào (Buyer Personas).
Tức là bạn sẽ tạo ra một khách hàng “giả định” có chứa các yếu tố đặc thù như bạn đã liệt kê ban đầu.
Ví dụ: anh A, 30 tuổi, sống ở Hà Nội, đã kết hôn, có 3 con, anh quan tâm đến các kênh đầu tư sinh lời ổn định để chăm lo cho gia đình,… Với các chân dung khách hàng cụ thể như vậy, doanh nghiệp có thể biết được một cách chính xác và cụ thể đối tượng họ cần tiếp cận sẽ như thế nào.
>>> Tìm hiểu: Mô hình marketing bán lẻ hiệu quả.
Việc xác định chân dung một khách hàng mục tiêu cụ thể (Buyer Personas) mang lại lợi ích gì?
Việc xác định được hình mẫu cụ thể của nhóm khách hàng mục tiêu mang lại rất nhiều các lợi ích cho doanh nghiệp. Nếu như hình mẫu được xác định một cách chính xác, doanh nghiệp có thể biết được cần tập trung vào những điều gì, cần đầu tư tiền bạc và thời gian như thế nào cho việc sản xuất hay phát triển một sản phẩm mới.
Hơn thế nữa, nếu xác định được đúng hình mẫu thì trong giai đoạn “gắn kết” (engaging), doanh nghiệp sẽ biết nên “đánh” vào các điểm mấu chốt nào trong tâm lý khách hàng, từ đó tạo nên sự gắn kết cho doanh nghiệp và khách hàng.
Ví dụ: như Công ty U hiện đang muốn phát triển sản phẩm kem đánh răng mới. Sau khi xác định được hình mẫu khách hàng mục tiêu (Buyer Personas) thì khách hàng là nam, thu nhập cao hay uống cà phê và trà nên răng bị ố vàng, làm họ mất tự tin khi giao tiếp.
Nhóm khách hàng nam này tuy muốn loại bỏ vết ố vàng trên răng nhưng lại không muốn dùng hoạt chất tẩy mạnh, lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi xác định được, Công ty U phát triển sản phẩm kem đánh răng trị ố vàng chiết xuất thảo mộc với bao bì đẹp, bán với giá cao cho nhóm khách hàng này.
Có thể thấy việc xác định được hình mẫu khách hàng cụ thể (Buyer Personas) giúp doanh nghiệp có thể hiểu khách hàng tốt hơn, nắm bắt được một số các hành vi, tâm lý nhất định của họ, từ đó tạo ra các trang đích nhắm đúng vào các đặc điểm này.
Vậy làm thế nào tạo một hình mẫu khách hàng mục tiêu “chuẩn”?
Việc đầu tiên cần làm là bạn phải hỏi đúng câu hỏi để có được câu trả lời đúng. Câu hỏi khảo sát càng rõ ràng thì đáp án bạn nhận lại sẽ càng cụ thể.
Bạn nên đặt những câu hỏi rõ ràng, hướng vào nhóm đối tượng được hỏi với chính xác các vấn đề cần được tìm hiểu. Vậy đặt câu hỏi thế nào là đúng, thì sau đây là một số gợi ý về bảy loại thông tin mà ít nhất bạn cần có để tạo nên Buyer Personas
Công việc:
- Công việc của bạn là gì?
- Một ngày làm việc tiêu biểu của bạn sẽ như thế nào?
- Các kỹ năng cần có để làm công việc này là gì?
- Bạn cần những kiến thức và công cụ đặc thù gì để hoàn thanh công việc?
- Bạn thường báo cáo công việc cho ai?
Về công ty:
- Công ty bạn làm hiện hoạt động trong lĩnh vực nào?
- Quy mô công ty, doanh thu, nhân sự như thế nào?
Về thành tựu:
- Bạn mong muốn đạt được những gì trong công việc?
- Bạn nghĩ rằng như thế nào mới gọi là thành công trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi?
Về thách thức:
- Các thách thức lớn nhất bạn gặp phải là gì?
- Thách thức lớn nhất doanh nghiệp bạn đang gặp phải là gì?
- Thách thức lớn nhất mà ngành của bạn đang gặp phải là gì?
Về bản thân người được phỏng vấn:
- Nói một chút về bản thân bạn như bạn hiện bao nhiêu tuổi, bạn đã kết hôn hay có con chưa?
- Trình độ học vấn của bạn ở hiện tại? Bạn đã từng theo học ở trường nào?
Về thói quen mua sắm:
- Những yếu tố nào bạn quan tâm trước khi ra quyết định mua hàng?
- Trước khi mua sản phẩm thì bạn có dùng Internet để tìm kiếm thông tin sản phẩm không? Nếu có thì bạn tìm kiếm như thế nào?
- Bạn thích mua hàng ở cửa hàng hay qua Internet?
Về nguồn các thông tin bạn thường tham khảo:
- Bạn thường xem báo hay các blog của ai, tại các trang nào?
- Bạn có đang tham gia các hội nhóm hay dùng mạng xã hội không?
- Bạn tìm kiếm các thông tin cho công việc của bạn như thế nào?
Với tất cả các thông tin mà bạn thu thập được, bạn có thể tiến hành tạo dựng được chân dung khách hàng mục tiêu của bạn sẽ như thế nào, từ đó xác định các “pain point”.
Để cụ thể hóa cho chân dung khách hàng của mình, bạn có thể gán thêm hình ảnh cho chân dung này. Bạn có thể tìm hình ảnh trên google hoặc trên website Shutterstock để có các hình ảnh sắc nét và chất lượng.
Việc này sẽ càng giúp bạn cũng như cả team dễ mường tượng và hỗ trợ cho các team khác của doanh nghiệp có cái nhìn chính xác hơn về khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp nhắm tới, từ đó tiếp cận hiệu quả hơn.
Và cuối cùng đừng quên đặt tên cho nhân vật “ tưởng tượng” này, cho những nhân vật này một cái tên như: Anh Tuấn kỹ sư, Chị Hoa giám đốc,.. để xác định rõ đối tượng cũng như lĩnh vực họ hoạt động.
Phân tích thị trường và bản thân doanh nghiệp
Trong bất kỳ doanh nghiệp nào, bạn không thể lên kế hoạch hay chuẩn bị bất kỳ điều gì mà không phân tích và cân nhắc các vấn đề cũng như các cơ hội mà doanh nghiệp sắp đương đầu cũng như tình hình của doanh nghiệp.
Phân tích tình hình nội tại của doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp có thể phần nào dự báo được mức độ tăng trưởng hoặc các vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm.
Một trong những công cụ phổ biến được nhiều doanh nghiệp sử dụng là Google Analytic khi mang lại những báo cáo chính xác cho doanh nghiệp.
Tạo nội dung cho nhóm khách hàng mục tiêu
Nếu như nói Inbound Marketing là một mũi tên thì đây là phần lông vũ. Việc tạo các nội dung chất lượng, có chủ đích rõ ràng sẽ hướng cho mũi tên Inbound của bạn cắm đúng vào lòng những khách hàng mục tiêu và cắm đúng vào các “pain point” của họ đồng thời cung cấp cho họ giải pháp cho các vấn đề họ đang gặp phải.
Tập trung vào xếp hạng kết quả trên các công cụ tìm kiếm
Khi bạn làm Inbound Marketing, việc lấy được các thứ hạng cao trên các trang tìm kiếm là một trong những vấn đề khá quan trọng. Vì việc khách hàng có thể thấy được các nội dung của bạn quyết định đến việc họ sẽ yêu thích và tiến đến các điểm bán của bạn hay không.
Khi đăng bất kỳ một nội dung nào, bạn luôn muốn bài của mình xuất hiện ở Top 1 trang tìm kiếm. Tuy nhiên, ngoài Top 1, còn một khái niệm nữa gọi là Top #0. Top #0 là một hộp thoại nhỏ xuất hiện ở đầu trang tìm kiếm của bạn, biểu hiện cho các kết quả tốt nhất và đáp ứng, thỏa mãn cao nhất các vấn đề của khách hàng, và kết quả này là “tự nhiên” chứ không mất phí.
Không phải lúc nào cũng sẽ có hộp thoại này xuất hiện mà thường thì các kết quả Top 1 sẽ chiếm vị trí này , các kết quả Top #0 mang lại nhiều cơ hội được khách hàng nhấp qua hơn so với các kết quả Top 1. Bên cạnh đó, theo Hubspot, càng có nhiều từ khóa Top #0 thì tỷ lệ nhấp (CTR– Click Through Rate) sẽ càng cao.
Để đạt được xếp hạng Top #0 thì nội dung của bạn chẳng những phải đạt được thứ hạng tìm kiếm cao, mà cụ thể là các vị trí đầu của trang đầu tiên. Bên cạnh đó, nội dung của bạn phải trả lời trực tiếp các thắc mắc của người dùng, một cách chính xác và đúng trọng tâm vào câu hỏi họ đặt ra.
Có một website sẵn sàng cho quá trình “Inbound”
Để có được kết quả Inbound Marketing tốt, bạn phải chắc chắn rằng website của mình đã được chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình “Inbound”.
Từng trang, từng đường liên kết của bạn đều phải phục vụ cho mục đích dẫn dắt khách hàng qua những điểm chuyển đổi (Conversion point).
Bạn có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau như sử dụng trang đích (landing page), các biểu mẫu (form) hay gửi email, mục tiêu của bạn là làm cho khách hàng quay trở lại, truy cập nhiều hơn và dành thời gian ở website của bạn càng lâu càng tốt.
Inbound Sales
Sau khi làm tất cả các bước trên, có thể nói đây là bước thu hoạch thành quả. Khi bạn đã hoàn tất các bước, thì về cơ bản, bạn đã thu hút đúng đối tượng khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp mong muốn.
Vấn đề là làm thế nào để chuyển đổi họ qua phễu bán hàng và xác định được họ có phải là một khách hàng tiềm năng để bán hàng (Sales Qualified Lead) từ nhóm khách hàng tiềm năng để Marketing (Marketing Qualified Lead).
Vấn đề này sẽ phụ thuộc vào trình độ và kỹ năng team Sales của doanh nghiệp. Sau khi giải quyết được vấn đề này thì nhiệm vụ xem như đã hoàn thành.
Có sự khác biệt gì giữa Digital Marketing và Inbound Marketing?
Digital Marketing là gì?
Digital Marketing là một chiến thuật riêng biệt mà doanh nghiệp dùng để tiếp cận các người dùng. Những chiến thuật Digital Marketing này có thể bao gồm các page banner (biểu ngữ trang), logo thương hiệu, tối ưu trang đích, các hoạt động thương hiệu,vv.
Còn có một định nghĩa khác cho Digital Marketing là sự tập hợp của tất cả các nỗ lực Marketing trên các nền tảng kỹ thuật số.
Tại sao Digital Marketing lại cần thiết
Như mọi người đã biết, việc tiếp thị qua hình thức gọi điện thoại (Telesale) hay quảng cáo hàng loạt (Bulk Advertising) đã trở nên lỗi thời. Những phương pháp này không mang lại các giá trị hữu ích mà khách hàng cần.
Chính vì vậy Digital Marketing, một phần của Inbound Marketing, đóng vai trò trong việc duy trì sự xuất hiện của doanh nghiệp trên Internet.
Marketing, đặc biệt là Inbound Marketing, rất chú trọng vào việc tiếp cận và tạo được mối liên hệ với đúng đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới.
Ngày nay, chúng ta đang có xu hướng dành nhiều thời gian trên Internet, đặc biệt là gần như mỗi người đều có riêng cho bản thân một chiếc smartphone và tất cả mọi thứ đều được tích hợp trên chiếc smartphone ấy nên cách để tiếp cận hiệu quả nhất đối với khách hàng là thông qua các nền tảng số.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa Digital Marketing và Inbound Marketing ?
Đơn giản thì Digital Marketing là một phần của tổng thể chiến lược Inbound Marketing.
Thực chất, đối với Digital Marketing thì không có sự phân biệt giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing.
Đối với Outbound Marketing, thì Digital Marketing có thể đóng vai trò như một công cụ lan tỏa thông điệp tới càng nhiều người càng tốt, bất kể khách hàng có thích hay có thực sự quan tâm hay không.
Khác với Outbound thì trong Inbound, Digital Marketing được điều chỉnh để nhắm tới chính xác các đối tượng mục tiêu hơn.
Ví dụ: khi triển khai Digital Marketing trong chiến lược Outbound Marketing thì Digital Marketing ở dưới dạng các quảng cáo banner.
Còn trong các chiến lược Inbound Marketing, Digital Marketing sẽ được tiếp cận dưới 3 góc độ đó là: Owned media, Earned media, Paid media.
Thông qua việc chia Digital marketing thành 3 loại, doanh nghiệp sẽ dễ chọn lựa và ứng dụng công cụ nào vào các chiến dịch Marketing cụ thể của mình.
Owned media
Owned media hiểu đơn giản là các nội dung, nguồn, các yếu tố do chính bạn hoặc team Marketing của doanh nghiệp sẽ tạo dựng nên.
Tất cả các Owned đều có thể được doanh nghiệp tự do sử dụng, tận dụng cho các mục đích của doanh nghiệp.
Một số các ví dụ về Owned media như:
- Content Marketing (Blog)
- Website
- Thương hiệu
- Tài khoản mạng xã hội
- Email/ bản tin
- Các nội dung bản quyền của doanh nghiệp (sách trắng, ebook)
Earned Media
Có thể nói một cách đơn giản thì Earned media là một hiệu ứng “truyền miệng” (Word of mouth). Earned media có thể mang lại cả những tác động tích cực hay tiêu cực cho doanh nghiệp của bạn.
Ví dụ như một bài đánh giá không tốt về thương hiệu của bạn có thể kéo theo nhiều vấn đề, lùm xùm cho doanh nghiệp, và nếu bạn không xử lý tốt các vấn đề này, có thể sẽ diễn biến thành các khủng hoảng truyền thông.
Một số ví dụ về Earned Media:
- Các đánh giá và xếp hạng online
- Các bài đăng của người dùng chia sẻ về sản phẩm của doanh nghiệp
- Các cuộc thảo luận, các câu chuyện “viral”
- SEO
- Các cuộc gọi, SMS
Paid media
Paid media là các công cụ mà bạn phải trả tiền để được xuất hiện. Một số các công cụ Paid media thường dùng có thể kể đến như:
- Pay Per Click (PPC)
- SMS
- Chat box (quảng cáo qua tin nhắn)
- Display ads
Các giai đoạn trong Inbound Marketing
Chúng ta đã biết trong Inbound Marketing sẽ chia làm 3 giai đoạn chính:
- Attract (thu hút)
- Engage (kết nối)
- Delight (thích thú)
Với từng giai đoạn, chúng ta sẽ sử dụng những chiến lược chuyên biệt và cụ thể để đạt được kết quả cao nhất:
Giai đoạn Attract (thu hút):
- Ads: sử dụng SEM (Search Engine Marketing) và các công cụ Paid media để thu hút khách hàng đến với website của doanh nghiệp. Đối với công cụ Ads (tức quảng cáo), bạn nên đặt mục tiêu tiếp cận sát với chân dung khách hàng mục tiêu của bạn để đảm bảo quảng cáo sẽ tiếp cận đúng đối tượng
- Blog: tận dụng nền tảng blog của doanh nghiệp để sáng tạo các nội dung liên quan đến sản phẩm mà doanh nghiệp bạn đang kinh doanh. Tốt nhất là doanh nghiệp nên dự đoán được các thắc mắc mà khách hàng thường gặp phải và sản xuất nội dung giải đáp để tối đa hóa hiệu quả
- Video: đây sẽ là một trong những nguồn thu hút khách hàng quan trọng với các doanh nghiệp có đối tượng khách hàng mục tiêu là GenZ. Do nhóm khách hàng này có một insight (nội cảm) là: họ thích xem video và lười đọc. Vì vậy, bạn có thể sản xuất các loại video như : hướng dẫn sử dụng, how-to video,…
- SEO (Search Engine Optimization): Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Việc tận dụng SEO sẽ giúp website của bạn được chú ý nhiều hơn trên mạng. Việc chọn từ khóa phù hợp và tối ưu hóa nội dung, trang và liên kết sẽ giúp cho website của doanh nghiệp nổi bật hơn các doanh nghiệp khác.
Giai đoạn Engage (kết nối) :
- Email Marketing: đây là một trong những công cụ quan trọng để giao tiếp và kết nối với khách hàng. Đặc biệt trong email marketing, yếu tố cần được quan tâm là sự cá nhân hóa cho người nhận mail. Ví dụ như: gọi tên khách hàng trong email hay gợi ý các sản phẩm mà khách hàng quan tâm
- Pop up: thường đặt ở những trang đích (landing page). Mục đích là tăng tính tương tác của người dùng (visitor) đối với website, từ đó tăng tỷ lệ chuyển đổi từ chỉ lướt xem, đến liên hệ, tìm hiểu cho doanh nghiệp, giúp khách hàng có thêm các trợ giúp, cung cấp thông tin cho khách hàng.
- Chat box hoặc Live chat: Giao tiếp luôn là cách tốt nhất để hiểu khách hàng, khơi gợi khách hàng tương tác với doanh nghiệp.
Giai đoạn Delight (thích thú):
- Khảo sát (surveys): việc làm khảo sát không chỉ giúp ích cho việc nghiên cứu thị trường mà còn là công cụ để khách hàng cảm thấy được quan tâm, rằng doanh nghiệp luôn “ để ý” đến cảm nhận của khách hàng. Ngoài ra, việc làm khảo sát giúp doanh nghiệp hiểu được cách khách hàng cảm nhận về giá trị của doanh nghiệp.
- Social feedback: có thể nói với tỷ lệ người dùng mạng xã hội ngày càng cao như hiện nay. Để nắm bắt được thị hiếu của người dùng như họ đang thích thú điều gì, họ đang quan tâm điều gì. Bằng cách theo dõi thống kê mạng xã hội, từ đó nắm bắt các trend và mở ra một hướng đi để tạo sự yêu thích cho người dùng.
- Cá nhân hóa nội dung (smart content): xu hướng cá nhân hóa trong xã hội ngày một cao. Việc xây dựng các nội dung chuyên biệt hóa cho một nhóm người với các đặc điểm cụ thể, hay chuyên biệt hóa cho từng cá nhân sẽ tạo được sự yêu thích cho người dùng, dây là một cách hay để duy trì sự ưa thích của khách hàng với doanh nghiệp cũng như cá nhân hóa góc độ tiếp cận của doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số công cụ phổ biến hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình làm Inbound Marketing:
- Công cụ phân tích: Moz, Google Analytics,..
- Công cụ Social: Hootsuite, Buzzsumo,…
- Công cụ Email marketing và bản tin: MailChimp, Optimizely,…
- Công cụ quản lý nội dung: WordPress, Hubspot,…
Inbound Marketing là phương pháp Marketing tiếp cận đúng với tâm lý và nhu cầu của khách hàng.
Trong từng giai đoạn của quá trình Inbound Marketing sẽ thích hợp với từng phương pháp cũng như công cụ đã được tác giả đề cập trong bài.
Để đạt được hiệu quả tối ưu trong Marketing, doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng kết hợp giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing.
Trong quá trình triển khai gặp khó khăn, hay liên hệ với CAS Solution – Đơn vị Inbound Marketing Agency hàng đầu tại Hà Nội, chúng tôi sẵn sàng trợ giúp. Chúc các bạn thành công !